Mỗi tỉnh 1 cụm thi
Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương; các điểm thi được bố trí phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp với điều kiện và yêu cầu cá nhân.
Bộ GD&ĐT cử cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi tại địa phương.
Thí sinh thực hiện 5 bài thi bắt buộc
Bài thi gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT:
- Thí sinh hệ THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
- Thí sinh hệ GDTX thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí). Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Hình thức thi
- Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
- Bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận.
Đề thi, thời gian
- Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa nhằm mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.
- Đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng; bài thi Toán có 50 câu; thời gian làm bài 90 phút. Bài thi Ngoại ngữ có 40 câu, 60 phút; bài thi Ngữ văn: 120 phút.
Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 2016 để các nhà trường chỉ đạo triển khai tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá và giúp học sinh ôn tập theo định hướng Kỳ thi.
Nội dung thi: Chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT.
Lịch thi: Tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6, thống nhất trong cả nước:
Ngày thứ nhất:
+ Buổi sáng: thi bài thi Ngữ văn;
+ Buổi chiều: thi bài thi Khoa học tự nhiên.
Ngày thứ hai:
+ Buổi sáng: thi bài thi Toán và bài thi Ngoại ngữ;
+ Buổi chiều: thi bài thi Khoa học Xã hội.
Các Sở GD&ĐT công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh một Giấy chứng nhận kết quả thi.
Xét công nhận tốt nghiệp THPT: Sở GD&ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (thí sinh THPT) hay từ 3 bài thi (thí sinh GDTX) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.
Quản lý cơ sở dữ liệu tốt nghiệp THPT
Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tại hệ thống dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT.
Sở GDĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Các trường ĐH, CĐ sử dụng cơ sở dữ liệu chung này làm căn cứ để tuyển sinh.
Các phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy
Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia
- Các trường ĐH, CĐ công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển trước khi thí sinh đăng ký dự thi.
- Thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
- Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi trong thời hạn quy định của trường để khẳng định nhập học tại trường.
- Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.
Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh
Ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT
Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.
Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh
Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định các bài thi là các bài thi tổ hợp, chứ không phải tích hợp các môn lại với nhau, cho nên học sinh yên tâm không phải lo lắng gì cả. Kỳ thi chỉ có những thay đổi có tính chất kỹ thuật làm cho thí sinh nhẹ nhàng hơn các năm học trước mà thôi.
Năm học 2015-2016 kết quả thi tốt nghiệp của tỉnh Điện Biên đạt tỷ lệ 92,57% (tăng 10% so với năm học trước); hệ THPT đạt 96,14%, hệ GDTX đạt 85,08%. Kết quả thi đã đánh giá khá khách quan chất lượng học sinh lớp 12 và hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, việc tổ chức dạy, học và hướng nghiệp ở các trường THPT, trung tâm GDTX.
Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch, không dồn, ép, cắt xén chương trình. Tổ chức dạy học đến đâu ôn tập, ôn tập củng cố đến đó; chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Phân loại học sinh để có giải pháp dạy, ôn tập phù hợp; đặc biệt quan tâm đến học sinh học lực yếu, kém. Tổ chức các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và thi học kỳ để đánh giá học sinh bám sát định hướng Kỳ thi; đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin về những thay đổi, điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng năm 2017 tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Xây dựng kế hoạch dạy, ôn tập, ôn thi và triển khai ngay từ đầu năm học; đảm bảo sáng tạo, linh hoạt trong giải pháp để từng bước thực hiện lộ trình nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 12, trúng tuyển đại học, cao đẳng./.