Toàn tỉnh hiện có 522 trường học, với gần 17 nghìn cán bộ, nhà giáo và lao động có trình độ chuyên môn cao, giàu nhiệt huyết, ham học hỏi, tận tâm với công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh và được sự quan tâm của xã hội, các cấp, các ngành. Có thể nói, trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của ngành, nhất là trong thời kỳ đổi mới, các cấp công đoàn luôn khẳng định sự phát triển vững chắc ở nhiều lĩnh vực, thể hiện vai trò một tổ chức đoàn thể quan trọng.
Thực hiện Nghị quyết lãnh đạo của Đảng các cấp, triển khai thực hiện Chỉ thị 40/CT - TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục đến năm 2020, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam khoá XI, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Điện Biên; đồng thời bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo, các cấp Công đoàn đã xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, hướng các hoạt động của Công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng, chăm lo đời sống nhà giáo, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định. Từ đó tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo với mục tiêu “Đổi mới, sáng tạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân viên lao động và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”. Những chương trình hành động của các cấp công đoàn tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cán bộ, nhà giáo, lao động góp phần xây dựng phong trào công nhân viên chức lao động; giúp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo nhận thức đúng đắn về cơ hội, thách thức, khó khăn trong điều kiện hiện nay để tiếp tục đóng góp xây dựng và phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo; động viên khuyến khích xây dựng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí. Công đoàn các cấp bám sát chủ đề từng năm học, phối hợp với chuyên môn tổ chức nhiều cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các cuộc thi chọn giáo viên giỏi các cấp học, ngành học, thi làm đồ dùng, đồ chơi... Các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Hai tốt”, “Hai giỏi”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực” và các cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”... được phát động và thực hiện sôi nổi. Cán bộ, nhà giáo, người lao động đã có chuyển động tốt trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện quy chế, tích cực đổi mới phương pháp dạy học.
Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu, cần có sự thống nhất cao
trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, nhà giáo, lao động.
Để cán bộ, nhà giáo, người lao động giữ được nhiệt huyết với nghề, yên tâm thực hiện nhiệm vụ, công đoàn đã làm tốt công tác đại diện, tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành. Các chế độ lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản... được bảo đảm đầy đủ, kịp thời. 100% cán bộ, nhà giáo, người lao động được nâng lương định kỳ, 10% được nâng lương sớm. Các trường tổ chức ký hợp đồng lao động đúng quy định; công khai định mức lao động, tài chính, các khoản thu, chi nên đã duy trì được không khí dân chủ, đoàn kết nội bộ. Các công đoàn cơ sở nỗ lực xây dựng các loại quỹ, chăm lo hỗ trợ cán bộ, giáo viên ổn định và nâng cao đời sống.
Có thể nói, hoạt động Công đoàn đã góp phần vào thành tích của ngành, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, giáo dục mũi nhọn ngày càng phát triển. Liên tục trong các năm gần đây tỉnh Điện Biên đã có nhiều học sinh thi đại học đạt kết quả cao, nhiều học sinh đạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Văn nghệ thể dục thể thao luôn đứng tốp đầu so với các ban, ngành trong tỉnh. Mỗi năm có hàng trăm tập thể và cá nhân được các cấp chính quyền và công đoàn khen thưởng. Có nhiều nhà giáo được tặng Huân chương Lao động và được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí “Nhà giáo Ưu tú”...
Những kết quả trên là công sức trí tuệ của tập thể cán bộ, nhà giáo, lao động ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn. Từ thực tiễn hoạt động, Ban Thường vụ Công đoàn ngành rút ra một số kinh nghiệm:
- Hoạt động công đoàn các cấp phải bám sát tình hình, nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị để phối hợp với chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động thiết thực, phù hợp, tổ chức đăng ký các phong trào thi đua, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
- Công đoàn phải thường xuyên đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động với nhiều hình thức phong phú có màu sắc riêng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của tập thể cán bộ, nhà giáo, lao động.
- Cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đến các tổ công đoàn; các cán bộ công đoàn phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có phương pháp hoạt động công đoàn có trách nhiệm với công việc, được cán bộ, nhà giáo, lao động tín nhiệm.
Để tổ chức công đoàn có điều kiện tiếp tục khẳng định vai trò và đóng góp thiết thực trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn rất cần sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và của Công đoàn cấp trên.
Từ nhận thức sâu sắc về vai trò của tổ chức Công đoàn trong ngành Giáo dục và Đào tạo, chúng ta tin tưởng rằng: chính sự phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn và các đoàn thể chính trị, hoạt động Công đoàn ngành Giáo dục nhất định sẽ còn gặt hái nhiều thành công, góp phần quan trọng để ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao./.