A. Mục đích, sự cần thiết
Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo hướng tiếp cận chuẩn khu vực và thế giới, giáo dục Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành, toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Trong nhiệm vụ của thầy và trò ở các nhà trường, việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học là một yêu cầu hết sức cơ bản, trong đó nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Thực tế hiện nay ở các trường THPT công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, trong đó có việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử đã được chú trọng song vẫn còn những bất cập nhất định như: cách tuyển chọn, phương pháp giảng dạy còn yếu kém, chưa tìm ra được hướng đi cụ thể cho công tác này, phần lớn chỉ làm theo kinh nghiệm. Từ những bất cập trên dẫn đến hiệu quả bồi dưỡng không đạt được như ý muốn.
Băn khoăn trước thực trạng đó, tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức và phương cách giảng dạy của bộ môn để gây hứng thú học tập môn lịch sử cho học sinh, nhất là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi sao cho đạt hiệu quả.
Trong phần Lịch sử Việt Nam hiện đại từ năm 1919 đến năm 2000, giai đoạn từ 1945-1954 là một trong những nội dung quan trọng. Giai đoạn lịch sử này tuy chỉ kéo dài 9 năm nhưng khối lượng kiến thức nhiều, có những vấn đề phức tạp, đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức tốt, mà còn phải có trình độ tư duy, khái quát cao… Phần kiến thức của giai đoạn lịch sử này cũng là một trong những nội dung chính của đề thi THPT Quốc gia, của các đề thi chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh, cấp Quốc gia hàng năm. Do vậy, giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử ở trường THPT nói chung và các trường THPT chuyên nói riêng cần phải trang bị tốt kiến thức giai đoạn lịch sử này cho các em học sinh, để giúp các em có một hành trang vững vàng, có thể đạt được thành tích cao trong các kì thi.
Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử, trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân đúc rút được qua quá trình được phân công dạy chuyên Sử và tham gia bồi dưỡng Học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử, tôi chọn đề tài: “Một số kinh nghiệm về bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia trong giảng dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954”.
Với đề tài này, tôi mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp cũng như muốn góp phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử trong bối cảnh hiện nay.Bạn đọc tham khảo chi tiết hoặc tải về
tại đây./.