1. Tóm tắt thông tin dự án
Mục tiêu Dự án. Dự án hỗ trợ thực hiện chương trình của Chính phủ về phổ cập Giáo dục Mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi (Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển GDMN giai đoạn 2011-2015) thông qua việc tập trung cụ thể vào nhu cầu của những trẻ em thiệt thòi nhất và cải thiện mức độ sẵn sàng đi học của trẻ, trong đó đặc biệt chú trọng trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS). Bằng cách đồng tài trợ một số cấu phần trong chương trình giáo dục mầm non của Chính phủ, dự án Tăng cường Khả năng Sẵn sàng Đi học Cho trẻ Mầm non (SRPP) được xây dựng trên tiền đề là các huyện gặp nhiều khó khăn về giáo dục cần có những nỗ lực can thiệp có mục tiêu tốt hơn để tăng cường khả năng đi học cho trẻ mầm non và phát huy kết quả của giáo dục mầm non.
Mục tiêu phát triển của dự án là nhằm “tăng cường khả năng sẵn sàng đi học tiểu học của trẻ em 5 tuổi, đặc biệt cho những trẻ dễ bị tổn thương nhất khi không thành công trong môi trường học tập, thông qua hỗ trợ một số cấu phần lựa chọn trong chương trình GDMN của Việt Nam”. Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua các biện pháp dự kiến sẽ làm tăng số trẻ em đi học mầm non và được thụ hưởng chất lượng giáo dục và chăm sóc tốt hơn. Mục tiêu trung gian là tăng tỷ lệ số trường mầm non được chứng nhận đạt chuẩn kiểm định mức độ 1, mức cơ bản trong hệ thống tiêu chuẩn chất lượng mầm non, và tăng tỷ lệ trẻ đi học mầm non 2 buổi/ngày của trẻ 3-5 tuổi.
Hợp phần của dự án. Dự án này được cấu trúc thành 2 hợp phần. Phần đầu tư chính sẽ dành cho Hợp phần 1 và cung cấp tài chính theo ngân sách, dựa trên kết quả để hỗ trợ triển khai các biện pháp can thiệp của Chính phủ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non. Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ việc xây dựng năng lực cần thiết cho việc triển khai và giám sát hiệu quả dự án và đóng góp vào đẩy mạnh phát triển chính sách GDMN. Hai hợp phần này được tóm tắt như sau:
* Hợp phần 1: Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn (95 triệu đô-la Mỹ) sẽ đồng tài trợ cho chương trình mầm non của Chính phủ. Hợp phần này sẽ hỗ trợ các hoạt động tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non thông qua (i) mở rộng việc học 2 buổi/ngày tại trường mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi (ii) nâng cao chất lượng các trường mầm non tại các tỉnh thành tham gia đạt chuẩn mức độ 1 theo hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng mới, và (iii) tăng cường năng lực, chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý. Hợp phần 1 xác định một bộ các Chỉ số giải ngân (DLI), gồm có các chỉ tiêu chính được lựa chọn từ chuỗi kết quả sẽ dẫn dắt để đạt được Mục tiêu phát triển của Dự án trong quá trình triển khai. Mỗi chỉ tiêu được gắn với một khoản giải ngân nhất định, và sẽ được giải ngân dưới hình thức thanh toán hoàn trả, với mức không quá 95 triệu đô-la Mỹ (của hợp phần 1 trong tổng vốn vay) cho chi tiêu của Chính phủ trong Chương trình chi tiêu hợp lệ (EEP). Chương trình chi tiêu hợp lệ để hỗ trợ thực hiện các chính sách đối với trẻ em 3-5 tuổi, đối với giáo viên hợp đồng – các khoản chi phí phù hợp với các Chỉ số giải ngân và hướng đến trẻ em và trường mầm non chịu thiệt thòi đã nêu tại Quyết định số 239/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
* Hợp phần 2: Xây dựng năng lực và phát triển giáo dục mầm non quốc gia (5 triệu đô-la Mỹ) sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện tập trung thông qua một cơ chế quản lý ngoài ngân sách truyền thống và hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực để giúp cho việc thực hiện Hợp phần 1, bao gồm các nội dung: củng cố hệ thống lập kế hoạch và báo cáo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ ngành GDMN, xây dựng quy định và chính sách về phát triển mầm non (bao gồm việc thử nghiệm mô hình dịch vụ giáo dục mầm non dựa vào cộng đồng cho trẻ từ 0-3 tuổi ở 4 địa điểm khác nhau ở Việt Nam. Hoạt động này bao gồm việc thực hiện các công trình dân dụng nhỏ như sửa chữa và nâng cấp cho phù hợp những cơ sở vật chất hiện có ở bốn trung tâm dịch vụ GDMN dự kiến theo mô hình dựa trên cộng đồng) và quản lý và kiểm toán dự án.
Đối tượng hưởng lợi từ dự án. Đối tượng hưởng lợi từ dự án là trẻ em trong độ tuổi từ 3-5 tuổi. Dự án SRPP sẽ giúp tập trung nguồn lực và sự quan tâm tới những trường mầm non không đủ khả năng cung cấp các dịch vụ mầm non chất lượng theo nội dung của Chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ em có hoàn cảnh dễ tổn thương nhất. Những trường mầm non này thường nằm trong những khu vực chịu nhiều bất lợi, có tỷ lệ lớn trẻ em DTTS, trẻ em có bố mẹ ít được đi học và thuộc những hộ gia đình nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương về khả năng sẵn sàng đi học.
2. Tóm tắt đánh giá xã hội
Nghiên cứu này được tiến hành từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2010 ở 8 tỉnh được lựa chọn, bao gồm Hưng Yên, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp và Bình Thuận. Các phương pháp định tính (phỏng vấn chuyên sâu, thảo luận nhóm trọng tâm, quan sát tại chỗ và bên tham gia) được sử dụng để tham vấn các bên liên quan tiềm năng của dự án, bao gồm phụ huynh học sinh, giáo viên/trợ giảng, quan chức chính phủ và các bên liên quan khác. Người dân tộc thiểu số (những người hưởng lợi tiềm năng của dự án) được mời tham gia vào một quy trình tham vấn trước, đầy đủ thông tin, và cởi mở trong suốt nghiên cứu này. Tổng số, có 187 phỏng vấn chuyên sâu, 8 thảo luận nhóm trọng tâm, và 32 buổi dự giờ hoạt động của giáo viên và học sinh, 24 chuyến thăm gia đình, và hơn 8 thôn bản được tới thăm để tham vấn cả người dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số, những người hưởng lợi tiềm năng của dự án.
Đánh giá xã hội này xác định những hạn chế về cung cầu nhằm cải thiện dịch vụ giáo dục mầm non cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện lựa chọn. Cụ thể, đánh giá này nhằm a) khảo sát nhận thức về nhu cầu cải thiện giáo dục mầm non từ nhiều bên liên quan: giáo viên / trợ giảng, phụ huynh, và quan chức chính phủ có liên quan ở cấp dự án và trung ương, b) xem xét các hạn chế/thách thức đối với việc cải thiện giáo dục mầm non, đặc biệt ở những huyện gặp khó khăn về giáo dục, và c) đánh giá nhu cầu cụ thể ở cấp địa phương (dịch vụ) và cấp trung ương (chính sách) và đưa ra khuyến nghị về các biện pháp can thiệp để giúp cải thiện giáo dục mầm non ở các khu vực mục tiêu của dự án.
Đánh giá này phát hiện ra rằng, trong khi tất cả các bên liên quan đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục mầm non, họ vẫn phải đối mặt với những hạn chế và thách thức gây cản trở đối với phát triển giáo dục mầm non đối với trẻ em từ 3-5 tuổi. Những hạn chế và thách thức này bao gồm điều kiện trường lớp kém, thiết bị/dụng cụ dạy học hạn chế và chất lượng kém, hạn chế trong quản lý trường học/chất lượng dạy học, giáo viên/trợ giảng không được đào tạo đầy đủ, tỷ lệ học sinh - giáo viên thấp, bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng, và khó khăn về phía phụ huynh trong khả năng tiếp cận/chi trả cho dịch vụ giáo dục mầm non tốt hơn. Ở cấp chính sách, những thách thức chính bao gồm làm thế nào để có một kế hoạch đầu tư/tổng thể nhất quán và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện hành của những vùng gặp bất lợi về giáo dục, khó khăn trong tiếp cận với nguồn lực tài chính, và làm thế nào để triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư nhằm cải thiện khả năng chi trả và tiếp cận với dịch vụ giáo dục mầm non có chất lượng cao hơn ở một số huyện gặp khó khăn được lựa chọn của Việt Nam, và làm thế nào để nhân rộng bài học thu được.
3. Tham vấn với cộng đồng Dân tộc Thiểu số
Trong nghiên cứu này, các bên liên quan dân tộc thiểu số lựa chọn được mời tham gia quy trình tham vấn này để khảo sát những khó khăn của họ liên quan đến giáo dục mầm non. Công tác tham vấn được tiến hành bằng những biện pháp phù hợp để đảm bảo người dân tộc thiểu số được tham gia vào hoạt động tham vấn trước, đầy đủ thông tin, và cởi mở, phù hợp với họ về mặt văn hóa. Kết quả tham vấn cho thấy đa số người dân tộc thiểu số ủng hộ việc thực hiện dự án. Họ hiểu rằng dự án sẽ được thực hiện để cải thiện giáo dục mầm non cho cộng đồng dân tộc thiểu số và nhận thấy sẽ không có bất cứ tác động bất lợi nào đối với cuộc sống.
4. Khuôn khổ để đảm bảo thực hiện tham vấn trước, đầy đủ thông tin, và cởi mở với cộng đồng dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án
Mục tiêu của dự án là cải thiện khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trẻ em dân tộc thiểu số. Vì vậy, đặc điểm kinh tế xã hội và văn hóa cụ thể mang tính đặc trưng của các dân tộc thiểu số sẽ được tích hợp trong thiết kế và triển khai dự án. Chẳng hạn, chương trình giảng dạy sẽ được thiết kế để hướng đến nhóm dân tộc thiểu số mục tiêu. Tương tự như vậy, cán bộ quản lý và giáo viên/trợ giảng giáo dục mầm non sẽ được tập huấn để đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ giáo dục theo cách phù hợp về văn hóa. Để tăng cường sự tham gia của những trẻ em hiện chưa đi học mầm non (thường là trẻ em dân tộc thiểu số), bữa trưa sẽ được cung cấp cho trẻ em dân tộc thiểu số để khuyến khích sự tham gia của trẻ em dân tộc thiểu số, đến lượt nó lại cải thiện tỷ lệ nhập học.
Để đảm bảo nguyên tắc hòa nhập, tham gia, và phù hợp về văn hóa, trong quá trình thực hiện dự án (kể cả trong công tác giám sát và đánh giá), việc tham vấn sẽ được tổ chức với các bên liên quan lựa chọn từ các nhóm dân tộc thiểu số bao gồm phụ huynh, giáo viên/trợ giảng, hiệu trưởng, cán bộ chính quyền, lãnh đạo cộng đồng để có được quan điểm và nhận xét của họ về các hoạt động dự án. Các phương pháp tham vấn được sử dụng là phù hợp với đặc điểm văn hóa và xã hội của các nhóm dân tộc thiểu số mà tham vấn hướng đến, đặc biệt quan tâm tới phụ huynh, giáo viên (những người có nhiều thời gian giao tiếp với trẻ em). Những nhóm đối tượng này sẽ được cung cấp các thông tin liên quan về dự án theo cách phù hợp về văn hóa trong quá trình chuẩn bị, thực hiện, giám sát và đánh giá dự án để thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa và nhận thức về quyền sở hữu của họ.
Bằng cách tạo điều kiện để đối tượng người dân tộc thiểu số có liên quan tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá dự án, dự án có thể đảm bảo để người dân tộc thiểu số nhận được những lợi ích xã hội và kinh tế phù hợp về văn hóa. Chi phí để thực hiện những biện pháp này sẽ được đưa vào kế hoạch ngân sách dự án. Kết quả dự kiến của dự án sẽ được giám sát và đo lường như một phần của khung giám sát và kết quả của dự án, và sẽ được rà soát hàng năm, cũng như tại thời điểm đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ của dự án. Đầu vào/thông tin cho giám sát và đánh giá sẽ có sự tham gia của các đối tượng người dân tộc thiểu số có liên quan để đảm bảo có tham vấn trước, đầy đủ thông tin, và cởi mở với người hưởng lợi dân tộc thiểu số.