Theo chỉ số DienBien e-Gov index 2015, Hạ tầng CNTT đã được đầu tư đáp ứng được yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị (Tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy tính trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt trên 95%); Ứng dụng CNTT được triển khai rộng khắp trong hoạt động của cơ quan nhà nước (95% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và 100% cơ quan Nhà nước cấp huyện trang bị phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp); Nguồn nhân lực CNTT cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; Các chính sách cho đầu tư phát triển CNTT ngày càng được hoàn thiện và tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi. Tuy nhiên, Công tác đảm bảo An toàn, an ninh thông tin vẫn chưa được quan tâm. Phần lớn các cơ quan, đơn vị đều không trang bị các thiết bị bảo mật (Firewall), hệ thống sao lưu dữ liệu (San, Nat); chưa có quy trình chuẩn về vận hành, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ cho hệ thống, chưa áp dụng chuẩn an toàn thông tin,... dẫn đến nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin trong hệ thống CNTT các cơ quan, đơn vị rất cao, dễ bị khai thác các lỗ hổng kỹ thuật, mất cơ sở dữ liệu…, Các cơ quan, đơn vị chưa cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Xếp hạng chung tổng thể ở khối Sở, Ban, Ngành có 01/20 cơ quan ứng dụng ở mức độ Khá (Sở Thông tin và Truyền thông), 14/20 cơ quan ứng dụng ở mức độ trung bình, 5/20 cơ quan ứng dụng ở mức độ thấp; Ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố có 01/10 cơ quan ứng dụng ở mức độ Khá (UBND Thành phố Điện Biên Phủ), 7/10 ở mức độ trung bình, 02/10 cơ quan ứng dụng ở mức thấp.
Chỉ số DienBien e-Gov index 2015 được công bố là bức tranh toàn cảnh về thực trạng ứng dụng CNTT của từng cơ quan, đơn vị và là cơ sở để các cơ quan, đơn vị đánh giá được điểm mạnh và những điểm cần tập trung đầu tư góp phần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh./.