Qua ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy người giáo viên có thể giúp người học xây dựng và hình thành những hiểu biết mới, hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh. Thông qua khám phá tích cực, trải nghiệm một cách nghiêm túc và rút ra những ý tưởng, kinh nghiệm mới qua mỗi lần thảo luận và suy ngẫm.
Khi sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, phương pháp sử dụng các công cụ hỗ trợ bằng công nghệ thông tin sẽ tác động đến học sinh một cách tích cực. Nó sẽ trở thành một phương tiện để khám phá tri thức hữu hiệu, giúp học sinh tiếp cận với các thông tin nhanh chóng, chính xác thông qua các tài nguyên được lưu trữ trên internet hay máy tính, các tài liệu chia sẻ hay webquest học tập. Ngoài ra nó cũng sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ cho việc xây dựng kiến thức sáng tạo, giúp biểu thị các ý tưởng, sự hiểu biết của học sinh, giúp học sinh tạo ra kiến thức có hệ thống qua đó phát huy khả năng tư duy sáng tạo.
Tuy nhiên, để các em học sinh làm được việc đó thì vai trò của người giáo viên vô cùng quan trọng. Nếu một người giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy của mình không hợp lý sẽ đem lại những hậu quả trái chiều. Một bài dạy hay cần được kết hợp hài hòa giữa nội dung kiến thức và cách bố trí sử dụng công nghệ hợp lý, tài liệu trực quan sinh động sao cho người học dễ dàng tiếp thu, nắm bắt và lĩnh hội. Công nghệ thông tin sẽ tránh được sự cứng nhắc trong bài giảng của người giáo viên, nâng cao khả năng đánh giá học sinh thông qua việc trang bị cho bài giảng của mình nhiều kiến thức kĩ năng, nhiều tư liệu minh họa một cách sinh động như hình ảnh, video, flash, mô phỏng các thí nghiệm một cách chân thực nhất với nguồn thông tin phong phú, đa dạng và sống động.
Ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp cải tiến nội dung chương trình dạy và học, tránh việc quá tải trong nội dung chương trình sách giáo khoa. Làm hạn chế việc thụ động chỉ ghi và chép bài ở học sinh. Giúp học sinh tích cực trong việc tranh luận tìm hiểu bài. Tạo ra sự năng động tích cực và hứng thú trong từng tiết giảng của giáo viên
Dạy học ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều mức độ khác nhau, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, có thể chia thành 4 mức độ. Mức 1 là Sử dụng công nghệ thông tin để trợ giúp giáo viên trong một số thao tác như soạn thảo giáo án, in ấn, sưu tầm tài liệu,… nhưng chưa sử dụng CNTT trong tổ chức dạy học và các tiết học cụ thể của môn học; Mức 2 là ứng dụng CNTT để hỗ trợ một khâu, một công việc nào đó trong toàn bộ quá trình dạy học; Mức 3 là sử dụng phần mềm dạy học để tổ chức dạy học một chương, một số tiết, một vài chủ đề môn học; Mức 4 là tích hợp CNTT vào quá trình dạy học.
Công nghệ thông tin là một công cụ rất hữu ích cho việc dạy và học. Nó được xem như là một công cụ tiên tiến nhất, hiệu quả nhất cho việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bài giảng của giáo viên và hỗ trợ tốt quá trình tư duy, lĩnh hội tri thức một cách có hệ thống của học sinh. Tuy nhiên để đạt được chất và lượng như ý muốn, người giáo viên cần biết kết hợp sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và có trọng tâm. Đổi mới phương pháp dạy học không phải là điều đơn giản và sử dụng tốt các công cụ hỗ trợ việc đổi mới phương pháp là cả một vấn đề đòi hỏi người giáo viên cần phải có kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức về công nghệ thông tin sâu cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình và sáng tạo./.