Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được triển khai và áp dụng trong năm học 2020- 2021 cho học sinh lớp 1. Có rất nhiều thay đổi trong khung chương trình môn học GDPT mới. Đối với cấp tiểu học, môn Ngoại Ngữ cụ thể là Tiếng Anh là một trong những môn học bắt buộc thuộc khung chương trình. Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình GDPT từ lớp 3 đến lớp 12. Là một trong những môn học công cụ ở trường Phổ thông, tiếng Anh không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung, để sống và làm việc hiệu quả hơn, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.
Bài khởi động (Warm up) của học sinh khối lớp 3 trường TH Hua Nguống
Thực tế, với các em học sinh dân tộc thiểu số, việc học bất kì ngoại ngữ Quốc tế nào cũng trở thành ngôn ngữ thứ ba. Trước khi bước vào cấp Tiểu học, ở cấp học Mầm non, lớp mẫu giáo các em học sinh dân tộc thiểu số được chú trọng tăng cường khả năng nghe nói, giao tiếp bằng tiếng Việt. Để tiếp thu được kiến thức các em phải nghe và nói được tiếng phổ thông. Học tiếng Việt đối với học sinh dân tộc thiểu số là ngôn ngữ thứ hai nên việc học và giao tiếp bằng tiếng Việt với các em học sinh khá vất vả và khó khăn, khó khăn cho cả giáo viên giảng dạy và chính bản thân các em. Đặc biệt đòi hỏi giáo viên phải biết sử dụng tiếng dân tộc của học sinh để giao tiếp với học sinh trong quá trình dạy và học.
Chính vì vậy, đối với các em học sinh tiếng Anh chính là ngôn ngữ thứ ba sau tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt mà các em được học. Việc học ngoại ngữ cũng là thử thách đối với các em khi đến với tiếng Phổ thông Quốc tế trong môi trường hội nhập toàn cầu. Trong khi đó, do hạn chế về lỗi phát âm cũng như điều kiện học tập, nên việc học tiếng Anh của học sinh lại càng khó khăn, vất vả bội phần. Nhưng không vì vậy mà các em thôi yêu thích môn học này, đa số các em có sự tò mò và mong muốn khám phá ngôn ngữ mới. Nên không khí giờ học luôn vui tươi và sôi nổi. Trong định hướng chương trình GDPT môn Ngoại ngữ ở cấp Tiểu học thì việc dạy tiếng Anh giúp học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết, chú trọng nhiều hơn đến hai kỹ năng Nghe và Nói. Vì thế, trong mỗi tiết học, để đạt được mục tiêu học sinh có thể nghe, nói thì việc giúp học sinh tiếp cận từ vựng, ghi nhớ từ vựng và thực hành sử dụng những mẫu câu đơn giản liên quan đến từ vựng đã học rất được chú trọng.
HS luyện ghi nhớ Từ vựng bằng thẻ từ “Flashcards” Sau khi ghi nhớ từ vựng, nhận biết được cách phát âm, cách viết của từ, ý nghĩa của từ, các em sẽ đi vào thực hành nhiều hơn với các mẫu câu có liên quan đến từ được học. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động đọc, viết ứng dụng các dạng bài tập trong các tiết học. Đối với học sinh dân tộc thiểu số khi tiếng Việt đã là “Ngoại ngữ”. Thì việc học ngôn ngữ thứ 3 là cả một hành trình đầy khó khăn và thử thách, không chỉ với các em mà còn là nỗi trăn trở của mỗi giáo viên giảng dạy, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của giáo viên trong việc tự trau dồi và tìm ra các phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm tạo sự hứng thú để thu hút, khơi dậy sự chú ý đến học sinh yêu thích môn học.
Hoạt động ứng dụng đọc viết theo cặp trong giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 3 Bên cạnh đó sự quan tâm của nhà trường, của chính quyền địa phương và sự ủng hộ, đồng tình của phụ huynh học sinh sẽ tạo nên sự liên kết chặt chẽ, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục ngày càng tới gần hơn với kì vọng “Vì một thế hệ tương lai phát triển toàn diện và tươi đẹp”!