Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên các trường tiểu học triển khai thực hiện môn Hoạt động trải nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó ít nhiều gặp những khó khăn, vướng mắc. Để chỉ đạo tốt việc thực hiện môn Hoạt động trải nghiệm trong các trường tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo triển khai các giải pháp sau:Thứ nhất: Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Hoạt động trải nghiệm là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là môn học mới cho nên việc tổ chức tập huấn để mỗi giáo viên nắm chắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm là rất cần thiết. Trước đây, khi tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đa số giáo viên làm thay học sinh ở hầu hết các khâu: lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị… Tuy nhiên, với môn Hoạt động trải nghiệm yêu cầu tất cả học sinh đều được tham gia đầy đủ các bước khi tổ chức hoạt động nên đội ngũ giáo viên phải được tập huấn nắm vững các yêu cầu, nội dung, xây dựng kế hoạch, hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường. Phòng GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên tại 13 cụm trường trong huyện. Cán bộ quản lý, giáo viên tham gia Tập huấn môn Hoạt động trải nghiệm Thứ hai: Hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục môn Hoạt động trải nghiệm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của đơn vị. Ngay từ đầu năm học, ngoài việc hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị xây dựng phân phối thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục trong năm. Hướng dẫn các đơn vị lựa chọn nội dung thực hiện hoạt động trải nghiệm trong cả năm học dựa trên chủ điểm từng tháng, điều kiện, khả năng của học sinh, nhà trường và của địa phương để tổ chức. Đặc biệt là nội dung phù hợp với học sinh các khối 2,3,4,5 trong hoạt động tập thể (Chào cờ) và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để tạo cơ hội cho học sinh toàn trường được tham gia. Ngoài ra, nhà trường giao quyền tự chủ và khuyến khích giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng chương trình thời khóa biểu cho các môn học, hoạt động giáo dục.
Hoạt động trải nghiệm "phiên chợ vùng cao" tại trường Tiểu học Số 1 Thị trấn Thứ ba: Hướng dẫn các đơn vị đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm có nội dung rất đa dạng và mang tính tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục. Vì thế khi thực hiện giáo viên cần tổ chức bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như: hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, sân khấu hóa, thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội. Tham gia vào hoạt động trải nghiệm, học sinh được thực hành trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia các hoạt động dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên, qua đó góp phần hình thành những phẩm chất và năng lực chủ yếu của học sinh tiểu học.
Học sinh trường Tiểu học Quài Cang tham quan bảo tàng Điện Biên Phủ Thứ tư: Phát huy vai trò trung tâm của nhà trường và làm tốt công tác tham mưu, phối hợp. Nhà trường cần đóng vai trò trung tâm, định hướng tổ chức, chỉ đạo, điều hành, phân công trách nhiệm cho các thành viên trong nhà trường; chủ động phối hợp với các lực lượng giáo dục khác khi tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Các hình thức Hoạt động trải nghiệm rất đa dạng và phong phú, do đó để tổ chức tốt Hoạt động trải nghiệm thì sự tham gia của cộng đồng đặc biệt là cha mẹ học sinh là vô cùng quan trọng. Nhà trường cũng như mỗi giáo viên cần chủ động đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương; các các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương... cùng tham gia. Các di tích lịch sử, văn hóa, cơ quan, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà vườn, khu chăn nuôi, đồng ruộng… hoặc ở mỗi gia đình đều có thể là địa điểm lý tưởng để học sinh được thực hành, trải nghiệm sáng tạo.
Học sinh tham quan cánh đồng lúa chín Thứ năm: Phát huy vai trò của tổng phụ trách đội, ban chỉ huy liên đội, hội đồng tự quản các lớp. Để môn Hoạt động trải nghiệm được triển khai thực hiện hiệu quả trong các nhà trường không chỉ cần đến vai trò trách nhiệm của đội ngũ giáo viên mà phải biết phát huy vai trò của Tổng phụ trách đội và Ban chỉ huy liên đội, hội đồng tự quản các lớp. Phát huy vai trò của Tổng phụ trách đội, trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để xây dụng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện hoạt động trải nghiệm; Ban chỉ huy Đội, hội đồng tự quản trong việc chọn lựa, đề cử, giao nhiệm vụ cho các thành viên trong chi đội tổ chức thực hiện theo kế hoạch của phụ trách nhi đồng, phụ trách chi đội.
Qua một năm triển khai thực hiện, môn Hoạt động trải nghiệm thực sự đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong giáo dục và rèn luyện học sinh. Giúp cho các em được tham gia thực hành vận dụng những nội dung kiến thức đã được trang bị vào thực tế cuộc sống, thực hiện phương châm giáo dục “học đi đôi với hành”. Thông qua hoạt động, học sinh mạnh dạn tự tin hơn, từ đó các em hứng thú tìm tòi, khám phá cái hay, cái mới trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Với những kết quả đó, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả môn Hoạt động trải nghiệm cũng như các môn học khác theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm học 2021-2022 và những năm học tiếp theo./.