Tính đến tháng 6/2021, toàn cấp Tiểu học có 148 trường tiểu học (23 trường THCS có lớp tiểu học), 466 điểm trường lẻ với 2.891 lớp; 73.469 học sinh (tỉ lệ học sinh/lớp đạt 25,41 em) tăng 2.648 học sinh, giảm 51 lớp so với năm học trước. Hệ thống trường PTDT bán trú có 69 trường với 1.406 lớp 34.275 học sinh. Số học sinh ở nội trú tại trường cả tuần 22.090 em (30,0%) tăng 0,8% so với năm học 2019-2020. Căn cứ kết quả thực hiện dạy TCTV cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 831/KH-UBND ngày 29/3/2021 về thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025. Tổng kinh phí hỗ trợ hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học năm học 2020- 2021 trên phạm vi toàn tỉnh là 3 tỷ 530 triệu đồng. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, UBND các huyện thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch của từng đơn vị cấp huyện giai đoạn 2021-2025. Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch tăng cường tiếng Việt năm 2021 để hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Toàn tỉnh hiện có 5.762 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đó trình độ: Thạc sỹ 40; Đại học 3.396; Cao đẳng 1.415; Trung cấp 567; Sơ cấp 29. So với năm học 2016-2017, đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên tiểu học đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hóa. Số Cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo tăng (Thạc sỹ 34 người, Đại học 1.208 người, Cao đẳng 692 người.
Ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học lớp 1 trường TH Chiềng Sinh Tuần Giáo Ngành Giáo dục và Đào tạo luôn xác định: Nâng cao năng lực, chất lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học là giải pháp then chốt thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS. Hàng năm, Sở đã chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, ngũ giáo viên để phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng bổ sung từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học để phục vụ tốt nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt các chuyên đề Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Triển khai hiệu quả đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán có chất lượng các môn học; tăng cường vai trò nòng cốt của đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tỉnh, cấp cụm và cấp trường. Tổ chức tốt quy định sinh hoạt chuyên môn với nhiều hình thức phong phú: Cấp huyện, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, cấp trường để triển khai nội dung chuyên môn mới; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các trường đã hướng dẫn giáo viên khai thác, sử dụng tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa về tăng cường tiếng Việt cho học sinh; cán bộ quản lý, giáo viên các trường được tập huấn nội dung tăng cường tiếng Việt và được hướng dẫn đưa nội dung tăng cường tiếng Việt vào các loại Kế hoạch giáo dục, lồng ghép vào các hoạt động trong ngày của học sinh. Số lượng cán bộ quản lý và giáo viên có chứng chỉ tiếng DTTS là 1.937 người). 100% các trường tiểu học tổ chức cho học sinh, giáo viên, phụ huynh tại trung tâm và các điểm trường giao lưu tiếng Việt. Hướng dẫn giáo viên khai thác, sử dụng tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa về tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học; tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung tăng cường tiếng Việt và đưa nội dung tăng cường tiếng Việt vào các loại Kế hoạch giáo dục, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong ngày của học sinh đảm bảo kế hoạch của UBND tỉnh giao. Đối với học sinh lớp 1 người DTTS còn hạn chế về vốn tiếng Việt, các trường thực hiện luân chuyển, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo hướng ưu tiên bố trí giáo viên cùng dân tộc thiểu số với học sinh. Quan tâm đến yếu tố thành phần và phân bố dân cư người dân tộc thiểu số của địa phương; quy mô phát triển, số lượng học sinh các DTTS của mỗi xã đến trường; từ đó có định hướng, chỉ đạo trong công tác tuyển dụng, hợp đồng, bố trí công tác đối với cán bộ quản lý, giáo viên cho phù hợp.
Ngày hội đọc sách tại Trường tiểu học số 2 Thanh Xương huyện Điện Biên Năm học 2020-2021, cơ sở vật chất trường, lớp học nhất là tại các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, đầu tư xây dựng, bổ sung. Đến năm học 2020-2021 toàn cấp tiểu học có Tổng số 2.973 phòng, đảm bảo đủ 01phòng học/lớp trong đó số phòng kiên cố đạt 55,03% (1.581 phòng), số phòng bán kiên cố 36,41% (1.046 phòng), số phòng tạm 8,08 % (232 phòng), số phòng mượn 0,49% (14 phòng). Phòng bộ môn: 130 phòng Tin học/148 trường (87,83%); 92 phòng ngoại ngữ/148 trường (62,16%); 25 phòng giáo dục thể chất/148 trường (16,89%); 66 phòng Mĩ Thuật/148 trường (44,59%); 67 phòng âm nhạc/148 trường (45,27%) đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Hàng năm các trường tiểu học đều tiến hành rà soát thiết bị dạy học lựa chọn những thiết bị phù hợp để tiếp tục sử dụng cho những năm học tiếp theo. Đối với lớp 1 năm học 2020-2021, các trường chủ động xây dựng kế hoạch kinh phí mua thiết bị dạy học mới theo quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BGD ĐT ngày 05/4/2019 về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Đảm bảo 01 bộ thiết bị tối thiểu/01 lớp theo quy định tại Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục sử dụng những thiết bị hiện có như "Bộ đồ dùng dạy học Tiếng Việt lớp 1". Việc tăng cường học liệu, đồ dùng đồ chơi tiếp tục được các trường quan tâm. Các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc thiểu số đã quan tâm việc bổ sung đồ dùng dạy học bằng nhiều hình thức như: Tranh ảnh tăng cường tiếng Việt, cây từ vựng tiếng Việt, đồ dùng dạy học tự làm từ những vật liệu có sẵn, thân thiện với môi trường tại địa phương..., huy động đóng góp từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong việc cải tạo cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động giao lưu, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt thân thiện trong các nhà trường.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tăng cường tiếng Việt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Tại địa bàn khó khăn, số lượng học sinh trong cùng một độ tuổi ít, các trường đã tổ chức lớp ghép để huy động tối đa số học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học. Năm học 2020-2021, Điện Biên duy trì 308 lớp ghép 4.918 học sinh, tỷ lệ 6,9% góp phần huy động tối đa số lượng học sinh trong độ tuổi đi học ở cấp Tiểu học. Giáo viên dạy lớp ghép được hưởng đầy đủ chế độ phụ cấp theo Quyết định số 15/2010/QĐ/TTg ngày 03/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, cha mẹ trẻ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS. Huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội khác như: Trưởng bản/tổ dân cư, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ,... vận động các gia đình người dân tộc thiểu số cho con em trong độ tuổi đến trường và đi học chuyên cần; tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ học sinh là người dân tộc thiểu số, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.
Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở tất cả các trường, các khối lớp để học sinh có nhiều cơ hội và thời gian giao tiếp bằng tiếng phổ thông với thầy, cô giáo và bạn bè. Tăng cường tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục. Vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai; tăng thời gian luyện nói cho học sinh. Làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương. Đẩy mạnh công tác sinh hoạt Đội-Sao để học sinh được tham gia các hoạt động tập thể, tổ chức các hoạt động giao lưu tiếng Việt từ đó giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Khuyến khích giáo viên tăng cường làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các loại đồ dùng có sẵn ở địa phương, đồ dùng dạy học được cấp phát một cách hợp lý, phù hợp với học sinh, xây dựng “Cây từ vựng tiếng Việt” để tạo hứng thú học tập của học sinh, tạo đam mê và môi trường thân thiện để các em tham gia, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học.Chú trọng sửa lỗi phát âm cho học sinh dân tộc thiểu số trong tất cả các giờ học, môn học; đặt những câu hỏi gợi mở, ngắn gọn, đưa ra các tình huống giao tiếp thuận lợi giúp các em chủ động phát triển vốn ngôn ngữ tiếng Việt; đặc biệt giáo viên động viên, khuyến khích các em nói, khéo léo chỉnh sửa khi nghe các em phát âm sai hoặc dùng từ, đặt câu chưa đúng. Quá trình luyện nói cho học sinh đã kết hợp luyện nghe nhất là kỹ năng nghe hiểu: Nghe hiểu câu mệnh lệnh để làm theo, nghe hiểu để trả lời câu hỏi, nghe hiểu hướng dẫn để tham gia trò chơi, tham gia tình huống giao tiếp,…
Viết bài đăng tải trên Website của Ngành Giáo dục và Đào tạo, Đài phát thanh và Truyền hình nhằm tuyên truyền phổ biến đến cộng đồng về tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS; huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS.
Tham gia Hội thảo xây dựng mô hình thư viện thân thiện trong trường Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số theo các tài liệu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt: Quyết định số 631/QĐ-BGDĐT ngày 15/3/2020 về "Phê duyệt Bộ Tài liệu hướng dẫn dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số dành cho giáo viên dạy lớp 1 và học sinh lớp 1 vùng dân tộc thiểu số"; Quyết định số 189/QĐ-BGDĐT ngày 20/01/2020 về "Phê duyệt Bộ Tài liệu hướng dẫn dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số dành cho giáo viên dạy lớp 2 và học sinh lớp 2 vùng dân tộc thiểu số". Quyết định số 733/QĐ-BGDĐT ngày 19/02/2021 về việc "Phê duyệt Bộ Tài liệu hướng dẫn dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số dành cho giáo viên dạy và học sinh lớp 3. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đọc viết đối với lớp 1 vùng dân tộc thiểu số, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn các trường tiểu học triển khai dạy tăng cường tiếng Việt theo tài liệu: Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc như ngôn ngữ thứ hai.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác truyền thông về giáo dục tiểu học trong đó có nội dung truyền thông về triển khai các hoạt động Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai chuyên mục "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em học sinh tiểu học" ttrên Website của Ngành. Số lượng bài truyền thông trong năm học 2020-2021 trên trên Website của Sở Giáo dục và Đào tạo là 50 tin, bài; chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Đài Truyền thanh - Truyền hình, UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền mục đích, nội dung thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, giáo viên, phụ huynh học sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; qua mô đun bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên môn cụm trường, các hội thi cấp huyện, cấp trường, các buổi họp giao ban cấp huyện, họp phụ huynh,... Các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, phổ biến vai trò hoạt động tăng cường tiếng Việt trong các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc TCTV cho học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025.
Chất lượng môn tiếng Việt năm học 2020-2021 tiếp tục được nâng cao, 23.379/72.711 học sinh hoàn thành Tốt, tỷ lệ 32,15%, 48.948/72.711 học sinh Hoàn thành, tỷ lệ 67,31%, 384/72.711 học sinh chưa hoàn thành, tỷ lệ 0,52%.
Với những kết quả đạt được trong năm học 2020-2021, trong năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo triển khai hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên theo lộ trình kế hoạch số 831/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025. Trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng và phát huy vai trò của trường thực hiện mô hình điểm; xây dựng thư viện thân thiện trong trường tiểu học, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể huyện nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS.