Các cháu trường mầm non Thanh Luông, huyện Điện Biên Nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng phát triển GDMN, tăng tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, tiếp tục phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu về dịch vụ giáo dục chất lượng cao, giáo dục mầm non Điện Biên cần tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau.
Một trong những hình thức xã hội hóa giáo dục mầm non hiện nay là phát triển trường mầm non tư thục hoặc nhóm trẻ/lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Để làm được điều này cần có nguồn lực thực hiện, trong đó việc tìm lời giải cho bài toán về chi phí thành lập luôn được các tổ chức, cá nhân muốn làm loại hình xã hội hóa giáo dục đặc biệt này hết sức quan tâm. Phạm vi bài viết này chỉ đề cập tới chi phí thành lập nhóm trẻ/lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Một trong những yếu tố thành công trong hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục cần giải quyết tốt bài toán về chi phí khi thành lập gắn với thực tế. Tuy nhiên khó khăn nhất cản trở ý tưởng của tổ chức, cá nhân khi mở nhóm trẻ tư thục, trường mầm non tu thục là mặt bằng địa điểm xây dựng (đất để xây dựng phòng học, khu vui chơi ngoài trời cho trẻ). Để mở cơ sở mầm non tư thục chúng ta phải tính toán, lựa chọn nhiều yếu tố như: địa điểm, nhu cầu của nhân dân, nguồn trẻ, nguồn giáo viên, nguồn lao động phù hợp việc chăm sóc và giáo dục trẻ, sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương, các cấp quản lý nhà nước về giáo dục...
Hiện nay, về nguồn tuyển, nhất là trẻ nhà trẻ là khá dồi dào do tỉ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp công lập chưa cao, nhu cầu gửi con của cha mẹ trẻ còn khá lớn, tuy nhiên nhu cầu này không giống nhau tùy địa điểm, do đó để thành công bạn nhất định phải điều tra nhu cầu trước khi chọn địa điểm mở lớp. Tiếp đến là nguồn lao động, hiện nay số sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non chưa có việc làm, mong muốn khởi nghiệp bằng chính chuyên môn của mình khá lớn, ngoài ra còn một lượng đáng kể giáo viên mầm non nghỉ hưu hàng năm có nhu cầu làm thêm,... Thủ tục mở lớp cùng khá đơn giản, do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Do vậy, vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết là bài toán về chi phí đầu tư.
Vậy để thành lập nhóm trẻ/lớp mẫu giáo độc lập tư thục cần mức chi phí như thế nào?
Các cháu trường Mẫu giáo SOS Điện Biên Phủ Tùy điều kiện thực tế, mức chi phí sẽ rất khác nhau. Chúng ta có thể tham khảo các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Sử dụng cơ sở vật chất nhà ở sẵn có của gia đình
Trường hợp gia đình bạn sử dụng nhà ở đảm bảo các quy định hiện hành làm phòng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thì sẽ tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn. Tuy nhiên lưu ý phòng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu là 1,5 m2/trẻ, phòng vệ sinh 0,4 m2/trẻ. Ngoài ra, cần cải tạo cơ sở vật chất hiện có cho phù hợp và đầu tư thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; trang trí nhóm lớp; đồ dùng phục vụ cho nấu ăn, lắp đặt ca mê ra… Theo bà Khánh chủ nhóm trẻ Phương Nam, thành phố Điện Biên Phủ, bà đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng ban đầu để đảm bảo việc chăm sóc và giáo dục cho khoảng 25 trẻ, bao gồm:
Biển bảng, trang trí, bàn, ghế, dụng cụ phục vụ nấu ăn hết 10 triệu đồng;
Mua sắm thiết bị đồ dùng, đồ chơi, lắp đặt thiết bị camera giám sát hết 20 triệu đồng ;
Lợp vòm, nền khu vực phục vụ các hoạt động ngoài trời cho trẻ hết 70 triệu đồng.
Trường hợp 2: Thuê cơ sở để mở nhóm trẻ tư thục
Tùy số lượng trẻ, bạn có thể thuê nhà với diện tích khác nhau, giá tiền khác nhau. Theo một chủ nhóm trẻ ở thành phố Điện Biên Phủ: Nếu nhận khoảng dưới 20 trẻ có thể thuê một phòng khoảng 30 m2, tại thành phố Điện Biên Phủ giá thuê khoảng từ 3,5 đến 6 triệu đồng/tháng ; ngoài ra, cũng cần tối thiểu khoảng 40 triệu đồng cho các hạng mục như cải tạo cơ sở vật chất hiện có; mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; đồ dùng phục vụ cho nấu ăn, lắp đặt ca mê ra…
Trường hợp 3: Thuê mặt bằng, xây dựng nhà cấp IV hoặc phòng học theo mô hình “ba cứng”
Nếu mở một nhóm khoảng 20 trẻ cần đầu tư 01 phòng có diện tích tối thiểu là 30 m2 , ngoài chi phí thuê mặt bằng, nếu xây dựng nhà cấp IV hoặc phòng học theo mô hình “ba cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) cần phải đầu tư khoảng 200 triệu đồng và tối thiểu khoảng 30 triệu đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; đồ dùng phục vụ cho nấu ăn, lắp đặt ca mê ra…
Trường hợp 4: Mượn cơ sở vật chất của tổ chức hoặc cá nhân tình nguyện trong công tác xã hội hóa giáo dục, huy động phụ huynh làm phòng học theo mô hình “ba cứng” … Do đó, nhà đầu tư không mất tiền thuê cơ sở vật chất, các điều kiện còn lại đầu tư như trường hợp 2.
Các trường hợp trên là ước tính mức đầu tư tối thiểu cho một nhóm trẻ tư thục khi thành lập. Để thành công, có lãi trong kinh doanh bằng hình thức mở nhóm trẻ tự thục hoặc trường mầm non tư thục, nhà đầu tư không chỉ tính đếm đến vấn đề đầu tư mà còn phải tính toán đến nhiều yếu tố tác động trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động kinh doanh như: địa điểm, nhu cầu của nhân dân, số lượng trẻ trên địa bàn, mật độ dân số, quan điểm của nhân dân, sự quan tâm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, của các cấp quản lý về giáo dục… để từ đó có cách thức và phương án đầu tư cho phù hợp, đặc biệt lưu ý yếu tố vùng miền.
Nhóm trẻ tư thục Đam mê – Thành phố Điện Biên Phủ Phân tích hiệu quả đầu tư các trường hợp ở trên cho thấy :
Trường hợp 1: Chủ nhóm trẻ sử dụng không gian sẵn có của gia đình để làm phòng học cũng như không gian cho trẻ chơi, do vậy chỉ đầu tư với số tiền khoảng 100 triệu đồng là cơ sở hoạt động được. Với số tiền đầu tư như vậy thì rủi ro gần như không có bởi chủ nhóm chỉ cần thu hút khoảng 07 trẻ thì đã bắt đầu có lãi vì mức thu khoảng 1,6 triệu đồng/trẻ/tháng (không kể tiền trông thứ 7 và chủ nhật nếu phụ huynh có nhu cầu). Như vậy tạm tính như sau:
Thu : 07 trẻ x 1.600.000 đồng/trẻ/tháng = 11.200.000 đồng/tháng;
Chi : Tiền ăn 30.000 đồng/cháu/ngày x 07 cháu x 22 ngày/tháng = 4.620.000 đồng; Tiền điện, nước, ga 600.000 đồng/tháng; Trả lương cho 1 bảo mẫu nấu ăn và chăm sóc 3.000.000 đồng; tổng chi 8.220.000 đồng, dư ra khoảng 3.000.000 đồng.
Trên thực tế, có cơ sở ở Thành phố Điện Biên Phủ số trẻ lên tới gần 30 cháu, đồng thời nhận trông cả thứ 7 và chủ nhật, do đó mức thu có thể vượt 4 đến 5 lần mức thu trên. Như vậy trừ mọi chi phí, kể cả hao mòn các đồ dùng, vật dụng thì hàng năm cũng thu về một số tiền khá lớn. Phương án này phù hợp với những giáo viên chuyên ngành mầm non đã về hưu đủ điều kiện về sức khỏe, có lòng yêu nghề mến trẻ, có một khoản vốn trước khi nghỉ hưu hay sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non mới ra trường chưa có việc làm có thể liên kết cùng hoặc được gia đình hỗ trợ chi phí lập nghiệp thì việc mở nhóm trẻ tại nhà là hoàn toàn khả thi. Tùy số lượng trẻ có thể thuê thêm 01 đến 02 lao động làm các công việc phục vụ, hỗ trợ chủ nhóm.
Trường hợp thứ hai : Tuy đầu tư ít nhưng phải trả tiền thuê nhà hàng tháng, trường hợp này không chủ động được cơ sở vật chất, thiếu tính ổn định lâu dài. Do đó, trường hợp này chủ nhóm trẻ phải nghiên cứu kĩ lưỡng về nguồn trẻ cho nhóm, đặc biệt lưu ý đến địa điểm thuận lợi, thu hút được phụ huynh, tính toán sao cho tổng chi, tính cả chi phí thuê nhà phải nhỏ hơn tổng thu. Phương án này hợp với những người có vốn, có kiến thức về kinh doanh đều có thể làm được, về chuyên môn có thể thuê giáo viên chuyên ngành mầm non (từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên) để mở nhóm có quy mô dưới 50 trẻ hoặc chỉ cần người có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đối với nhóm trẻ có quy mô tối đa 07 trẻ.
Trường hợp 3: Để xây dựng phòng học thì phải đầu tư số tiền khá lớn so với khả năng tài chính của những người trẻ mới lập nghiệp và với số trẻ không nhiều thì sẽ rất lâu kéo lại vốn. Do đó trường hợp này sẽ phù hợp hơn với nhà đầu tư có tiềm lực về nguồn vốn, có kinh nghiệm trong kinh doanh và nếu có khả năng hơn về tài chính nên đầu tư phát triển thành trường tư thục (quy mô trên 50 trẻ), tùy nguồn vốn và nguồn trẻ huy động được có thể bố trí thành các nhóm/lớp theo độ tuổi.
Trường hợp 4: Không phải trả chi phí cho cơ sở vật chất phòng học cũng như khu vui chơi vì có thể mượn được cơ sở của tổ chức hoặc cá nhân như: nhà văn hóa, hội trường thôn bản, phòng học của một trường, điểm trường (nếu có thể sắp xếp) … trên địa bàn. Trường hợp này rất cần sự quan tâm của cơ quan chính quyền địa phương, cũng như các cấp quản lý giáo dục như: Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn; Trưởng các thôn bản; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng các trường; Tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm… cùng chung tay trong công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Phương án này phù hợp với mở nhóm trẻ tư thục ở nơi phụ huynh có mức thu nhập thấp có nhu cầu gửi trẻ nhà trẻ nhưng công lập không đáp ứng đủ, có nguồn giáo viên mầm non được đào tạo nhưng chưa có việc làm, có tâm huyết với nghề, không nặng về kinh doanh mà chỉ cần có việc làm và thu nhập trang trải cuộc sống đồng thời phát huy được chuyên môn đã đào tạo.
Với những phân tích trên cho thấy việc nhóm trẻ/lớp mẫu giáo độc lập tư thục không hề đơn giản nhưng cũng không đến mức quá khó. Nếu bạn mong muốn và quyết tâm thực hiện, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng, nguồn lực có thể suy xét, lựa chọn phương án phù hợp. Bài toán trên đây mang tính chất tham khảo, hy vọng ít nhiều giúp những tổ chức, cá nhân có ý định mở nhóm trẻ/lớp mẫu giáo tư thục hay lớn hơn là trường mầm non tư thục biến ước mơ, quyết tâm thành hiện thực./.