Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh; bà Simon, Quyền trưởng đại diện Unicef Việt Nam và đại diện lãnh đạo Vụ giáo dục Dân tộc, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo và chuyên gia giáo dục của các tổ chức WB, VVOB, Plan, Save the Children cùng lãnh đạo và chuyên viên 42 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó 53 dân tộc ít người được coi là dân tộc thiểu số, với tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước những năm qua và trong giai đoạn tới luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi, dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với trẻ em người dân tộc thiểu số. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo nên diện mạo mới đối với giáo dục mầm non, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số bằng Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số nhằm giảm bớt rào cản ngôn ngữ khi trẻ đến trường. Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một phương pháp tiếp cận giáo dục dựa trên cơ sở khoa học giáo dục. Phương pháp tiếp cận này đã được Unicef hỗ trợ về kĩ thuật và tài chính để thực hiện thử nghiệm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học dân tộc Mông, Jrai và Khmer (giai đoạn 2008 - 2015) ở 3 tỉnh thí điểm là Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh (An Giang là đơn vị đầu tiên trong cả nước tự triển khai thực hiện thí điểm).
Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tiếp tục được các địa phương nhân rộng với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học dân tộc Mông ở Lào Cai (2010 - 2020), với trẻ mẫu giáo và học tiểu học dân tộc Khmer ở An Giang. Kết quả giáo dục ở giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn nhân rộng đã khẳng định tính phù hợp và khả thi của giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đối với những dân tộc thiểu số có đủ điều kiện để thực hiện.
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đã đánh giá vai trò, hiệu quả của giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn mới. Trong đó tập trung thảo luận những vấn đề: Ưu điểm, tác dụng của giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đối với trẻ em người dân tộc thiểu số; công tác triển khai tại các địa phương, sáng kiến kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc; giải pháp thực hiện tốt chương trình; đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện.
Mô hình “Bà mẹ trợ giảng” tại huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên giai đoạn 2010-2015 Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, tỉnh Điện Biên đã nhấn mạnh những kết quả đã đạt được của tỉnh qua quá trình triển khai áp dụng các phương pháp của giáo dục song ngữ đối với trẻ em người dân tộc thiểu số như: Tại thời điểm tháng 10/2021 tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 44%, trẻ mẫu giáo 99,6%, mẫu giáo 5 tuổi 99,6%; tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số của tỉnh là 86,1%; giáo viên là người dân tộc thiểu số 69%; giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đạt 42,7%... Để đạt được những kết quả đó, tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Cứu trợ trẻ em; Chương trình phát triển vùng với mô hình “Bà mẹ trợ giảng” (hỗ trợ giảng dạy trẻ em người dân tộc thiểu số bằng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ) và các dự án hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên…
Trên cơ sở ý kiến đánh giá của các chuyên gia giáo dục và các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, tiếp thu để ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em người dân tộc thiểu số tham gia Chương trình Giáo dục mầm non và sẵn sàng vào học chương trình lớp 1 Tiểu học, giảm thiểu khó khăn đối với trẻ dân tộc thiểu số và góp phần duy trì, bảo tồn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số./.