Đối với khâu giao-nhận lương thực, thực phẩm:
Địa điểm giao, nhận lương thực, thực phẩm nên ở khu vực bên ngoài nhà bếp, đảm bảo thông thoáng, thuận tiện.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, khi giao, nhận lương thực, thực phẩm người vận chuyển thực phẩm đến khu vực giao nhận (được đánh dấu hoặc có chỉ báo), bảo đảm khoảng cách ít nhất 2m với người nhận.
Nên giới hạn số lượng người có mặt cùng một lúc ở một điểm. Trong quá trình giao, nhận thực phẩm, yêu cầu người giao và người nhận phải đeo khẩu trang, găng tay đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm của dịch bệnh.
Đối với khâu chế biến thực phẩm:
Sơ chế thực phẩm tại Trường Mầm non 20/10, thành phố Điện Biên Phủ Sau khi nhận thực phẩm, nhân viên nhà bếp gỡ bỏ bao bì cho vào thùng rác, sau đó rửa tay; không chạm vào mũi, miệng, mắt, không ăn uống hay chạm vào thực phẩm khác khi chưa rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Tất cả rác thải cần được bỏ vào thùng rác có nắp đậy và chuyển đi bằng lối đi riêng cho rác thải hoặc vào thời điểm không có hoặc ít trẻ có mặt ở trường.
Thực hành vệ sinh tốt và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi sơ chế thực phẩm để thực phẩm không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có khu vực sơ chế riêng cho từng loại thực phẩm.
Nhân viên nhà bếp thực hiện rửa tay thường xuyên đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phải đeo khẩu trang, mũ, tạp dề và sử dụng găng tay khi cần thiết.
Sử dụng các dụng cụ có nắp đậy để đựng thực phẩm sau khi sơ chế và chuyển vào khu vực nấu.
Đảm bảo khu vực nấu được thông thoáng và không sử dụng điều hòa.
Sau khi nấu xong, thực phẩm cần được chia vào các dụng cụ đựng thức ăn đậy kín, tốt nhất là khay được đặt trên hệ thống giữ nóng thức ăn.
Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.
Thường xuyên vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm; làm sạch bề mặt bếp bẩn bằng xà phòng và nước sau khi nấu ăn, sàn nhà cần được vệ sinh và khử trùng trên các bề mặt thường xuyên.
Đối với các xuất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong dụng cụ kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
Bố trí nơi ăn bảo đảm an toàn:
Khu vực tổ chức ăn uống cho trẻ đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo an toàn; có đủ dụng cụ ăn uống riêng cho từng trẻ và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi dùng.
Khoảng cách giữa các bàn ăn cần sắp xếp hợp lý, có lối đi lại và các bàn nên cách xa nhau khoảng 1m.
Giờ vệ sinh trước khi ăn của học sinh lớp mẫu giáo lớn trường MN Hoàng Công Chất, huyện Điện Biên
Trẻ em rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Từng trẻ một đi theo thứ tự vào bàn ăn theo hướng dẫn của giáo viên; tránh việc đi lại lộn xộn.
Không nên tập trung nhiều nhóm, lớp cho trẻ ngồi ăn tập trung ở một khu vực. Khi ăn xong, xếp khay (bát) vào các thùng (chậu) đựng khay, bát đũa riêng.
Chú trọng hoạt động kiểm tra, giám sát:
Các hoạt động lưu mẫu thức ăn, thực hiện quy trình giao nhận thực phẩm, chế biến thực phẩm và hoạt động bếp nấu ăn theo quy trình “bếp một chiều” tại các cơ sở giáo dục mầm non cần được tăng cường kiểm tra, giám sát tránh những sơ xuất đáng tiếc xảy ra.
Các bếp nấu ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non cần có nội quy, phân công nhiệm vụ của các nhân viên công bố công khai để thuận tiện cho các hoạt động giám sát thường xuyên.
Trên đây là một số biện pháp nhằm giúp cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường./.