Qua thực tiễn triển khai Ban giám hiệu, giáo viên nhận thấy học sinh đã có sự thay đổi tích cực, các em tự tin, linh hoạt, chủ động trong học tập, lớp học tự quản, tự chủ, tự học, tham gia thảo luận sôi nổi. Vai trò của Chủ tịch hội đồng tự quản, các trưởng ban, nhóm trưởng được thể hiện thông qua cách tổ chức hoạt động đúng định hướng. Sự thay đổi cách dạy, cách học mang lại luồng không khí mới cho học sinh nhà trường: tự lập, tự tin trong cuộc sống; linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong giao tiếp; có kĩ năng sống lành mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt và hố trợ hợp tác để cùng tiến bộ.
Bà Trần Thị Thăm – Phó vụ trưởng vụ GDTH Bộ GD&ĐT đến thăm nhà trường
Khi đánh giá về vai trò tổ chức lớp học và hướng dẫn học sinh học tập các thầy cô nhận thấy: Mô hình trường học mới VNEN tạo nên sự thay đổi, giáo viên không phải soạn bài nhưng phải đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu bài dạy, rồi chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ học tập, xây dựng các góc học tập, nhận xét bài kiểm tra, đánh giá học sinh học tập theo các mạch: kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất đây hoàn toàn là những điểm đổi mới đối với giáo dục tiểu học, đòi hỏi thầy cô phải sáng tạo, tâm huyết, công tâm và say mê với nghề nghiệp. Mô hình trường học mới VNEN đã xóa việc truyền thụ và tiếp thu kiến thức theo kiểu một chiều, thầy cô đóng vai trò là người hướng dẫn tổ chức các hoạt động tiếp thu bài học, học sinh tự học, tự đánh giá, tự tương tác với các bạn trong nhóm để đạt được mục tiêu của bài học. Theo đó học nhóm là chủ đạo, các em tự đọc tài liệu học tập, độc lập suy nghĩ, được bày tỏ ý kiến, được tranh luận, được hợp tác qua đó thống nhất chung các nội dung tài liệu yêu cầu dưới sự điều khiển của nhóm trưởng, việc tự điều chỉnh hoạt động học tập trong nhóm đã giúp học sinh gắn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành các nội dung bài học. Bên cạnh việc học văn hóa các thầy cô còn hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động trong nhà trường: hội diễn văn nghệ, giai điệu tuổi hồng, hội khỏe Phù Đổng của Phòng, Sở tổ chức; hoạt động giáo dục truyền thống như chăm sóc nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao được các cấp khen ngợi, tiểu biểu trong trường như lớp 3A1, 4A1, 4A2, 5A1.
Giờ hoạt động tập của cô và trò nhà trường
Với mục tiêu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” các thầy cô giáo nhà trường luôn tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ hết khả năng tư duy, sáng tạo trong các bài học và trong các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của nhà trường, không chỉ những học sinh ở điểm trường trung tâm mạnh dạn thay đổi từng ngày mà các em học sinh ở các điểm trường Pá Sáng và Nậm Ty cũng rất ấn tượng. Từ những học sinh luôn e dè, ngại ngùng nay các em đã mạnh dạn, tự tin, linh hoạt trong học tập, chủ động chiếm lĩnh kiến thức trong các bài học, các em được thầy cô hướng dẫn hoàn thành hết các nội dung bài tập ngay trên lớp về nhà không còn phải làm bài tập theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhìn những bông đang ngày ngày khoe sắc tỏa ngát hương thơm trong vườn hoa tri thức, các thầy cô giáo nhà trường càng vui tươi phấn khởi, ra sức phấn đấu cống hiến, vun trồng để vườn hoa ngày càng khoe sắc muôn màu rực rỡ. Tiêu biểu cho sự say mê, tận tụy hết mình vì công việc trồng người và đóng vai trò cốt cán của nhà trường trong việc giáo dục thế hệ trẻ là cô Trịnh Thị Ngọc Lan, cô Phạm Thị Phương, cô Trần Thị Loan, cô Triệu Tố Như…
Có được thành công đó đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường thường xuyên trao đổi, thảo luận tìm các giải pháp đồng bộ cho các hoạt động giáo dục của nhà trường bằng các hình thức như: sinh hoạt chuyên môn tổ hàng tuần, sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp cụm trường, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ giúp đỡ đặc biệt của các thầy cô Phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô là Tư vấn của chương trình Dự án VNEN, các thầy cô ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của nhà trường ngày càng tiến bộ.
Theo trường TH Hua Thanh huyện Điện Biên