Sau khi được ban hành, Sở đã hướng dẫn các cơ sở triển khai thực hiện Thông tư. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học về cơ bản đã nghiên cứu, hiểu và triển khai nghiêm túc. Kết quả ban đầu việc đánh giá học sinh tiểu học đã tạo sự chuyển biến trong tổ chức dạy và học, góp phần giảm áp lực học tập đối với học sinh. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014, căn cứ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số việc sau:
Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học ở địa phương tiếp tục đổi mới công tác quản lý, giảm các thủ tục, hồ sơ hành chính, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn để tạo điều kiện cho giáo viên tập trung vào công việc chuyên môn, tiếp tục quen dần với việc đổi mới, chia sẻ việc nhận xét đánh giá học sinh, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện. Giới thiệu để giáo viên, cán bộ quản lý tham khảo kinh nghiệm về thực hiện Thông tư 30/2014.
Học sinh trường PTDTBTTH Na Ư huyện Điện Biên
Các phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức kiểm tra định kỳ theo Thông tư 30/2014. Việc kiểm tra định kỳ tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khóa, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và cha mẹ học sinh. Tuyên truyền, giải thích để giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu và nhận thức đúng về việc kiểm tra định kỳ: bài kiểm tra định kỳ được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm, góp ý những hạn chế của học sinh và được chấm điểm. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để xếp loại học sinh hay để so sánh học sinh này với học sinh khác mà chủ yếu để giáo viên, cha mẹ học sinh kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên quá trình học tập của học sinh trong học kỳ, trong năm học.
Lớp học trường Tiểu học số 2 Na Sang huyện Mường Chà
Nếu kết quả bài kiểm tra định kỳ chưa phù hợp với các nhận xét đánh giá thường xuyên, giáo viên cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để có thể điều chỉnh cách dạy, cách hướng dẫn, giúp đỡ học sinh; có thể cho học sinh làm lại bài kiểm tra khác để xác định thực chất năng lực học sinh hay hiệu quả của các giải pháp đã được áp dụng. Mục đích cuối cùng vẫn là vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp học sinh học được và học tốt.