Bà Lý Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Giám đốc dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Dinh - Chuyên viên Vụ GDMN- Phó Giám đốc Dự án; ông Nguyễn Đại Dương - Trưởng phòng Kiểm định chất lượng giáo dục - Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục; ông Nguyễn Hải Thập - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo cùng một số chuyên viên của Vụ Giáo dục Mầm non và cán bộ Dự án.
Bà Lý Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Giám đốc dự án phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả chung của Dự án đạt được trong thời gian qua. Dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” (SRPP) giai đoạn 2013-2017 được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, có tổng số vốn là 100 triệu USD, giải ngân dựa trên 8 chỉ số đầu ra đã đạt được. Báo cáo tập trung xem xét, chia sẻ quá trình thực hiện hợp phần 1 tại các địa phương gồm tình hình thực hiện và giải ngân, một số kết quả chủ yếu về hỗ trợ thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục trường mầm non và bồi dưỡng thường xuyên 10 mô-đun ưu tiên áp dụng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi một cách bền vững tại các địa phương khó khăn.
Tại hội thảo, đại biểu 11 Sở GD&ĐT các tỉnh miền núi phía Bắc đã đưa ra các báo cáo tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các hoạt động Dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non”.
Hội nghị cũng lấy ý kiến trực tiếp của cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng GD&ĐT, cấp trường và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ý kiến được các đại biểu đưa ra nhằm vào các vấn đề:
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;
Cách thức, tiến độ, những khó khăn khi thực hiện kiểm định chất lượng trường mầm non;
Công tác bồi dưỡng thường xuyên 10 mô- đun ưu tiên cho giáo viên và cán bộ quản lý theo kế hoạch của Bộ song có sự linh hoạt theo đặc thù từng địa phương.
Đại biểu tham quan tại trường MN Hoa Phượng, TP. Hạ Long
Các đại biểu dự hội nghị được tham quan thực tế tại 02 trường mầm non:
Trường Mầm non Hoa Phượng (thuộc khu vực thành phố): trường được xây dựng 02 tầng rất khang trang, diện tích rộng, cảnh quan đẹp, trang trí các lớp sinh động, có sản phẩm thiên nhiên của địa phương (tranh bằng lá khô, vỏ sò ốc…). Các đại biểu đặc biệt thích thú với khu phát triển vận động rất rộng rãi, có mái che, được trải thảm cỏ nhân tạo; có sân bóng đá mini cũng được trải thảm cỏ nhân tạo; khu đồi thấp trồng cỏ với nhiều con vật trang trí hấp dẫn với trẻ như hươu cao cổ, các nhân vật hoạt hình... Nhà trường vừa tổ chức thành công Hội khỏe phù đổng cấp trường thu hút nhiều đại biểu từ Trung ương, tỉnh, các đơn vị bạn và phụ huynh đến dự với các nội dung thi phong phú, tạo ra một không khí hết sức sôi động.
Trường Mầm non Hồng Thái Tây (thuộc khu vực nông thôn) cũng được xây dựng 02 tầng, diện tích rộng, bố trí gọn gàng. Điểm nổi bật là nhà trường có khu phát triển vận động rộng rãi, có mái che, được trải thảm cỏ nhân tạo; gốc cây bóng mát cũng được trồng cỏ tạo cảm giác xanh mát. Khu vườn của bé mang dáng dấp mô hình làng quê Việt Nam thu nhỏ với hình ảnh mái nhà tranh, đống rơm, bụi chuối, vườn rau, ao cá… Mỗi trường có một vẻ đặc sắc riêng, phù hợp với trẻ mầm non theo từng vùng miền, địa phương.
Đại biểu tham quan tại trường MN Hồng Thái Tây
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bà Lý Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Giám đốc dự án khẳng định:
11 tỉnh tham dự hội nghị tại Quảng Ninh đều đảm bảo thực hiện công tác Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đúng tiến độ. Yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi theo quy định. Đối với những địa phương đã được công nhận đạt chuẩn cần tham mưu xây dựng Kế hoạch duy trì đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, phấn đấu để năm học 2015-2016 có ít nhất 40% số cơ sở GDMN được đánh giá ngoài đạt từ cấp độ 1 trở lên.
Đối với công tác bồi dưỡng thường xuyên 10 mô-đun ưu tiên cho giáo viên và cán bộ quản lý: Yêu cầu các địa phương hoàn thành theo kế hoạch của Bộ (100% CBQL và GVMN được bồi dưỡng 10 mô đun ưu tiên của dự án); chú trọng chỉ đạo việc áp dụng các nội dung đã được bồi dưỡng vào thực tế quản lý và giảng dạy tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng GDMN./.