Trước đây, do hoàn cảnh gia đình các con khó khăn, nhà trường cũng không có các điều kiện tốt nhất nên bữa ăn của các con hết sức đạm bạc, thiếu thốn. Là người quản lý trực tiếp, cô Nguyễn Thị Nga, hiệu trưởng nhà trường không khỏi trăn trở suy nghĩ phải làm sao cải thiện được bữa ăn cho các con. Và trăn trở ấy được cụ thể hóa bằng việc huy động cán bộ giáo viên nhà trường tăng gia sản xuất. Với công sức lao động của các cô giáo sau mỗi buổi lên lớp cộng với sự hỗ trợ của các cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn bộ binh 741 - đơn vị kết nghĩa với nhà trường - những vườn rau xanh, khu chăn nuôi được hình thành. Hàng chục luống rau, mùa nào thức ấy đảm bảo cung cấp rau xanh đều đặn, khu chăn nuôi lợn gà mỗi năm cung cấp từ 400 - 500 kg thịt góp phần cải thiện bữa ăn cho trẻ.
Cô và trò cùng chăm sóc vườn rau sau những giờ học Cùng với nỗ lực trên, cô Nguyễn Thị Nga đã mạnh dạn kết nối với chương trình "Cơm có thịt" để hỗ trợ chế độ ăn cho các cháu nhà trẻ, tổng giá trị hỗ trợ tiền ăn mỗi năm gần 300 triệu đồng, cùng với những người bạn của “Qũy trò nghèo vùng cao” đó là nhà từ thiện như cô Nguyễn Thị Hậu công tác tại Tổng cục Hậu cần cũng đã ủng hộ cho các con những đồ dùng cá nhân phục vụ cho việc ăn ở tại trường là những chiếc bát, chiếc thìa, cái khăn mặt thật xinh xắn tạo hứng thú cho trẻ ăn hết xuất cơm của mình. Tâm huyết của cô không chỉ dừng lại ở tại trường nơi cô công tác mà người quản lý này đã linh hoạt và gắn kết được với chương trình hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ, mang đến cho hàng nghìn em học sinh khác thuộc 22 trường mầm non và 4 trường tiểu học trên địa bàn huyện Điện Biên. Thật khó để diễn tả sự háo hức vui mừng của các em nhỏ vùng khó khăn khi được quây quần cùng các bạn bên những bữa ăn tại trường với đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hoạt động ăn trưa của trẻ tại trường mầm non Núa Ngam Và hơn hết là sự tin tưởng, yên tâm của các bậc phụ huynh khi cho con em theo học tại nhà trường. Năm học vừa qua, nhà trường có 340 học sinh, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 41%, trẻ 3 đến 5 tuổi đạt 100%, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 100%. Tỷ lệ bé chăm, bé ngoan đạt trên 98%. Tỷ lệ trẻ phát triển về 5 lĩnh vực thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ đạt trên 95% trở lên. Tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần cao bởi lẽ đi học các con được các cô chăm sóc chu đáo, ăn uống đủ chất, được tham gia các hoạt động học tập, vui chơi bổ ích theo chương trình giáo dục mầm non. Đặc biệt qua thời gian theo học tại trường nhiều trẻ không còn bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi chỉ còn 2%.
Giờ đây, đến trường mầm non Núa Ngam, ai cũng ngỡ ngàng trước khuôn viên được bố trí gọn gàng, nhà lớp học khang trang, đầy đủ đồ dùng đồ chơi theo quy định.
Cô và trò cùng hoạt động ca múa hát tập thể
Tháng 3/2015, trường chính thức được cộng nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Thật khó diễn tả hết sự xúc động, niềm vui mừng hạnh phúc của cán bộ, giáo viên nhà trường vào ngày công bố quyết định. Bởi đây chính là sự ghi nhận, là thành quả xứng đáng cho nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường trong suốt những năm qua.
Lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1
Chia sẻ về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngược thời gian lại 12 năm trước, năm 2003 ngày đầu mới thành lập, nhà trường mới chỉ có 8 cán bộ, giáo viên, 6 lớp học với trên 103 em học sinh cả nhà trẻ và mẫu giáo. Khi đó cơ sở vật chất còn rất đơn sơ, chỉ có 6 phòng học tạm nhà tranh vách đất do cán bộ chiến sỹ đơn vị tiểu đoàn bộ binh 1 giúp đỡ với những bộ bàn ghế đơn sơ. Đến năm 2004, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà trường đã kết nối và được Tổng công ty dầu khí Việt Nam hỗ trợ trên 320 triệu đồng xây dựng 2 phòng học và 1 phòng làm việc kiên cố đầu tiên.
Trường mầm non Núa Ngam những năm đầu mới thành lập Phát huy kết quả này cùng với việc xác định rõ cần phải thực hiện tốt công tác xã hội hóa để nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện dạy và học, trong nhiều năm qua, nhà trường đã kêu gọi huy động được trên 1,1 tỷ đồng của nhiều tập thể, cá nhân để đầu tư xây dựng nhà lớp học, khuôn viên tại điểm trường trung tâm và các điểm trường: Tiêu biểu như năm học 2013 - 2014 huy động được 500 triệu đồng xây dựng kiên cố điểm trường bản Pá Bông; Năm học 2013 - 2014, xã hội hóa xây dựng 1 phòng lớp học kiên cố tại điểm trường Ten Núa; Năm học 2015 - 2016, kêu gọi đầu tư được 1 nhà ăn tập thể, 1 phòng lớp học và hệ thống nhà vệ sinh trị giá gần 200 triệu đồng do ông Đoàn Minh Khôi - Hà Nội tài trợ.
Điểm trường Pá Bông ngày mới thành lập và bây giờ
Điểm trường Ten Núa ngày mới thành lập và bây giờ
Không những kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ cơ sở vật chất cho trường mình, cô Nguyễn Thị Nga và tập thể nhà trường còn kết nối, giúp đỡ cho các trường mầm non khác trên địa bàn huyện như: Năm học 2014-2015 hỗ trợ trường mầm non Mường Lói xây dựng 1 điểm trường kiên cố với trị giá 240 triệu đồng. Hay gần đây nhất là kết nối các nhà tài trợ giúp đỡ cho trường mầm non Hẹ Muông 2 phòng học, công trình vệ sinh, nhà kho kinh phí trên 230 triệu đồng...
Noi gương cô Hiệu trưởng mẫu mực, tập thể 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, nhà trường có một Chi bộ Đảng với 13 Đảng viên, 70% giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp, 100% giáo viên có chứng chỉ tin học, 100% giáo viên thực hiện sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy. Với nhiệm vụ thực hiện công tác chăm lo, giáo dục cho trẻ em mầm non tại địa bàn rộng có tới 21 thôn bản, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số nên áp lực đối với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường là rất lớn. Có trực tiếp tham gia các giờ học ngoại khóa, vui chơi, chứng kiến sự chăm sóc tận tình chu đáo của các cô, các mẹ từ bữa ăn đến giấc ngủ cho các em; có theo những bước chân các cô trong những buổi đi đến tận các thôn, bản xa xôi nằm cách trung tâm xã cả chục cây số để thăm hỏi, vận động phụ huynh, học sinh ra lớp mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả cũng như những hi sinh thầm lặng của các cô. Và có lẽ trong thâm tâm của mỗi cán bộ, giáo viên đều có tâm niệm giống như chia sẻ của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga khi nói về kết quả nhà trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1: Xây dựng trường chuẩn quốc gia không phải cái đích cuối cùng để đến mà là quá trình thực hiện xây dựng nhà trường, thực hiện tốt công tác nuôi dạy trẻ từng ngày, từng tuần cũng như trong suốt năm học. Và mục đích cuối cùng là phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, nhân cách cho các em, chuẩn bị những bước đầu tiên để các em tự tin bước vào lớp 1...
Cô và trò cùng hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về thiên nhiên Tin tưởng rằng, với nỗ lực, quyết tâm và lòng nhiệt huyết của tập thể cán bộ giáo viên nói chung và cá nhân cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường nói riêng, trường mầm non Núa Ngam sẽ giữ vững các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và tương lai không xa phấn đấu đạt tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tiếp tục là nơi nuôi dưỡng, giáo dục trẻ uy tín, chất lượng của địa phương./.