Theo kết quả điều tra EDI Việt Nam, 50,68% trẻ Việt Nam trong độ tuổi từ 5-6 được điều tra bị thiếu hụt hoặc có nguy cơ thiếu hụt ít nhất là một lĩnh vực phát triển. Đây là vấn đề đáng báo động của giáo dục mầm non Việt Nam. Để thực sự nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đã đến lúc cần phải có sự thay đổi, phải có sự nhất quán trong nhận thức và trong hành động. Thực hiện Chương trình giáo dục mầm non trên quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là bước đi cơ bản để thực hiện việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay.
Để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm này, cơ bản giáo viên phải xuất phát từ trẻ, nghĩa là: dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ - tin tưởng rằng mỗi trẻ đều có thể thành công và tiến bộ;
Tạo nhiều cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau gồm cả hoạt động vui chơi;
Kế hoạch chăm sóc, giáo dục phản ánh được mức độ phát triển của từng cá nhân trẻ, xây dựng dựa trên những gì trẻ đã biết và có thể làm.
Với vai trò là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, chúng ta cần biết cách vận dụng cách tiếp cận này vào việc hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục mầm non một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng và sự phát triển toàn diện phù hợp với từng cá nhân trẻ, đạt được mục tiêu giáo dục đã đề ra.
1. Về tinh thần
- Lắng nghe ý kiến của giáo viên, tư vấn, cho lời khuyên kịp thời;
- Dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với giáo viên;
- Không áp đặt, ra lệnh;
- Tạo môi trường làm việc thuận lợi, thoải mái, được đánh giá, được chia sẻ;
- Khuyến khích sự sáng tạo, tích cực, chủ động của giáo viên.
Với những hỗ trợ về tinh thần này sẽ giúp nhà quản lý hiểu giáo viên của mình hơn: “họ cần hỗ trợ gì?”, “hỗ trợ vào lúc nào?” và “hỗ trợ bằng cách nào?”, đồng thời tạo được môi trường làm việc, bầu không khí thân thiện, gần gũi giữa các thành viên trong nhà trường.
2. Về chuyên môn
- Lên kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn với tinh thần “Giáo dục lấy người học làm trung tâm”;
- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để giáo viên thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm;
- Kiểm tra, dự giờ, trao đổi, tư vấn, ra quyết định;
- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan;
- Thay đổi cách đánh giá giáo viên.
3. Quan tâm chế độ, chính sách, đời sống của giáo viên; có chế độ khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời.
Việc động viên, khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ góp phần tạo động lực cho sự sáng tạo của đội ngũ phát triển. Cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục cần quan tâm đến việc khuyến khích, tạo cơ hội và hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên đi đầu trong việc áp dụng những sáng kiến, những đổi mới trong dạy học.
Để thực hiện chương trình GDMN theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thành công, đội ngũ giáo viên mầm non cần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ các nhà quản lý giáo dục nói chung và các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non nói riêng. Hãy chung tay để trẻ thực sự là trung tâm của quá trình sư phạm ở mỗi nhà trường!