Chúng ta đang nỗ lực cao nhất phấn đấu “dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Sở dĩ nói như vậy bởi vì những ưu tiên đầu tư cho chăm sóc trẻ em ngay từ những năm đầu đời có một ý nghĩa sinh học, xã hội và nhân văn cực kỳ quan trọng mà mọi đứa trẻ có quyền đón nhận. Từ nhận thức “ Sức khoẻ trẻ em hôm nay là sự phồn vinh của đất nước ngày mai”, sức khoẻ ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực trí tuệ, là yếu tố quyết định đến sự phát triển của trẻ sau này. Sức khoẻ là một yếu tố không thể thiếu của con ngươì. Để thế hệ trẻ được khoẻ mạnh, thông minh sáng tạo, có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc nuôi dạy trẻ là yêu cầu rất lớn.
Trong những năm gần đây, hoạt động chăm sóc giáo dục dinh dưỡng, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ trong trường mầm non không ngừng phát triển để đảm bảo công tác phòng chống suy dinh dưỡng được phát huy theo chiều hướng tích cực, nâng cao chất lượng chăm sóc, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.
Số này xin giới thiệu cùng các đồng nghiệp “Một số kinh nghiệm phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ trong trường Mầm non”.
Muốn phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ trong trường Mầm non ta phải bám sát vào các yêu cầu đó là:
1. Bồi dưỡng kiến thức thực hành dinh dưỡng, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong chế biến cho đội ngũ cán bộ giáo viên, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ
Đây là hoạt động, nhà trường, gia đình, xã hội cùng thực hiện. Do đó việc quan tâm đến hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ và chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết. Dinh dưỡng hợp lý đó là khẩu phần ăn hàng ngày phải đủ về số lượng và cân đối về chất lượng. Cân đối giữa chất sinh ra năng lượng (đạm, đường , béo, đường). Cân đối giữa thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ nếu tính theo cân nặng thì cao hơn người lớn. Vì vậy muốn phòng chống suy dinh dưỡng có hiệu quả cần phải giúp cho trẻ có đầy đủ thức ăn để sinh trưởng, phát triển và vận động.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ thì ngay từ đầu năm học nhà trường tổ chức vận động cho trẻ được bán trú tại trường, nhà trường luôn đảm bảo chế độ ăn theo quy định, thay đổi chế độ ăn, thực đơn phù hợp. Căn cứ vào nhu cầu năng lượng của từng độ tuổi để xây dựng khẩu phần ăn cho phù hợp. Đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc về tinh thần, tạo bầu không khí đầm ấm giúp trẻ có cảm giác như bữa ăn tại gia đình, trẻ ăn ngon miệng hơn.
Chỉ đạo giáo viên ở các nhóm lớp quan sát trẻ ăn và động viên khuyến khích trẻ ăn hết xuất, không làm rơi vãi thức ăn.
Khẩu phần và thực đơn của trẻ được thay đổi theo mùa, theo tháng và theo tuần, đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng, chế biến phù hợp khẩu vị của trẻ. Đảm bảo cho trẻ có ít nhất một lần ăn một quả trứng, một bữa trái cây.
Thường xuyên xây dựng góc tuyên truyền tại các nhóm lớp như: Những điều phụ huynh cần biết; Bé thích ăn gì,...để giúp cho cha mẹ trẻ nắm được những thông tin cần thiết và từ đó thực hiện tốt nội quy của nhà trường như: cho trẻ ăn ngủ đúng giờ giấc, không cho trẻ mang quà bánh đến lớp.
Phát động cuộc thi sáng tác, sưu tầm thơ, câu chuyện , câu đố, bài viết có nội dung giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng cho giáo viên lồng ghép giáo dục dinh dưỡng vào các hoạt động như: Làm quen văn học, Khám phá khoa học, Thể dục, Giáo dục âm nhạc,...thể hiện rõ nhất vào hoạt động vui chơi của trẻ chính là hoạt động “ bé tập làm nội trợ”, giáo viên dạy trẻ có biết sử dụng thành thạo các đồ dùng dụng cụ như dao, thớt, cốc , chén,…
Tổ chøc thực hiện mô hình vườn rau của bé tại trường để trẻ vừa được tiếp xúc với thiên nhiên, giúp trẻ trải nghiệm với thực tế và phát triển. Đồng thời cải thiện bữa ăn cho trẻ, trẻ có rau xanh theo mùa đảm bảo hợp vệ sinh.
Luôn chú trọng khâu lựa chọn thực phẩm, khâu sơ chế, chế biến thức ăn, khâu bảo quản và chia thức ăn một cách khoa học nhất, đảm bảo VSATTP, tránh lãng phí đặc biệt là đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Hàng ngày phải công khai tài chính cho các bậc phụ huynh được biết và giám sát. Phối hợp với phụ huynh để mua thực phẩm do chính phụ huynh trồng và chăn nuôi, chế biến ra để phụ huynh yên tâm về chất lượng.
Đối với nhân viên phụ trách nuôi dưỡng luôn bồi dưỡng những kiến thức qua cung ứng tài liệu, qua thử nghiệm hàng ngày và qua hội thi dinh dưỡng giỏi để có kiến thức về VSATTP nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ phù hợp với mọi lứa tuổi. Nhân viên nuôi dưỡng phải biết cách chế biến thức ăn và thực hiện đúng quy trình bếp một chiều, thực hiện tốt việc lưu mẫu thức ăn kể cả thực phẩm sống.
Việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ phải đảm bảo đúng 10 nguyên tắc vàng trong ăn uống.
Bé thi chọn thực phẩm
2. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền
Đây là việc nhà trường xác định có tầm quan trọng lớn để đem đến hiệu quả trong việc chăm sóc và phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ. Công tác tuyên truyền là chủ yếu với nhiều hình thức khác nhau. Tổ chức cho phụ huynh nghe báo cáo và toạ đàm về dinh dưỡng như “giá trị kiến thức cho trẻ mầm non” “nấu ăn duy trì dinh dưỡng” “ dinh dưỡng hợp lý và cân đối” “ Chăm sóc cho bà mẹ mang thai” “ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ” “ cách chọn mua thực phẩm an toàn,…Trao đổi trực tiếp cho phụ huynh hiểu rõ và ủng hộ nhà trường trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.
Lên kế hoạch tuyên truyền về nội dung chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tại các nhóm, lớp. Lượng thông tin bao gồm các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, vệ sinh, phòng bệnh, các hoạt động hưởng ứng các phong trào giáo dục sức khoẻ của nhà trường cụ thể là:
- Tình hình sức khoẻ của trẻ qua biểu đồ tăng trưởng
- Tình hình bệnh tật của trẻ có thể phát sinh do thời tiết, khí hậu, môi trường để phụ huynh có thể nắm được và biết cách phòng tránh bệnh tật cho trẻ
- Các thông tin cần thiết về cách chăm sóc con,…
Quan tâm đầu tư cho các góc tuyên truyền của trường và lớp. Kết hợp với các bản tin và hình ảnh được thay đổi nhiều lần trong tháng để thu hút được sự quan tâm chú ý của phụ huynh.
Tổ chức khám, tư vấn cho phụ huynh có trẻ bị suy dinh dưỡng, tổ chức các hội thi tìm hiểu về dinh dưỡng,... Thông báo cho phụ huynh biết tình hình sức khoẻ của trẻ qua các cuộc họp, qua các buổi đưa đón trẻ, trao đổi trực tiếp cho phụ huynh từ đó giúp cho giáo viên và phụ huynh nắm được cá tính của từng trẻ để có biện pháp uốn nắn kịp thời, phụ huynh hiểu rõ và ủng hộ nhà trường trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.
Tăng cường phối hợp với Hội phụ huynh của các nhóm lớp đến kiểm tra định kỳ đầu tháng hoặc đột xuất trong tháng. Kiểm tra khâu cung ứng đến sơ chế và chế biến thực phẩm đến khẩu phần ăn của trẻ. Quan sát bữa ăn của trẻ, cùng chăm sóc trẻ theo đúng khoa học.
Song song với những công việc trên, nhà trường tổ chức hội thi nấu ăn được phụ huynh ủng hộ nhiệt tình. Cuộc thi thể hiện kết quả quản lý và thực hành về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất tốt.
3. Phối hợp với trạm y tế xã khám sức khoẻ và cân đo theo định kỳ, kiểm tra thường xuyên VSATTP
Phối hợp tốt với cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho trẻ là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Chính vì vậy mà nhà trường luôn phối kết hợp tốt với trạm y tế xã trong việc chăm sóc sức khoẻ, quản lý tiêm chủng, phòng dịch bệnh cho trẻ và thường xuyên kiểm tra khâu vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà trường.
Hăng năm nhà trường phối hợp với y tế xã khám sức khoẻ cho trẻ 1-2 lần/năm theo dõi, kiểm tra và phân loại sức khoẻ của trẻ theo biểu đồ tăng trưởng để có chế độ chăm sóc kịp thời, phù hợp. Những trẻ có biểu hiện như béo phì, suy dinh dưỡng cần kiểm tra, cân đo hàng tháng để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
Kiểm tra sức khỏe cho đội ngũ cấp dưỡng trước khi hợp đồng làm việc theo định kỳ hàng năm.
Giáo viên được khám sức khoẻ 2 lần/ năm.
Nhân viên nuôi dưỡng được khám sức khoẻ, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, xét nghiệm phổi… để đảm bảo tránh các bệnh tật cho trẻ.
Tổ chức kiểm tra tay nghề hàng năm cho đội ngũ cấp dưỡng về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp đem lại hiệu quả khi phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ trong trường Mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.