Từ những trăn trở ngày đầu thành lập
Trung tâm GDTX tỉnh Điện Biên (tiền thân là trường Bổ túc văn hóa cán bộ tỉnh) được thành lập từ năm 1996 theo Quyết định số 465/QĐ-UB ngày 22/07/1996 của UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) với 5 chức năng nhiệm vụ, bao gồm giảng dạy Bổ túc THPT; đào tạo Tin học ứng dụng và tiếng Anh thực hành; Bồi dưỡng ngắn hạn; liên kết đào tạo Đại học, cao đẳng và dạy nghề. Đến năm 2003, thực hiện Biên bản Hội đàm hợp tác giữa Đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên với Đảng, chính quyền các tỉnh Bắc Lào, UBND tỉnh và Sở GDĐT giao cho Trung tâm nhiệm vụ quản lí, nuôi dưỡng và đào tạo tiếng việt cho lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào.
Buổi đầu thành lập, Trung tâm đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ đến việc nghiên cứu và triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành học giáo dục thường xuyên. Năm năm đầu, Trung tâm chưa có địa điểm để xây dựng trụ sở riêng, phải mượn tạm khu vực kí túc xá của trường DTNT tỉnh; cơ sở vật chất nghèo nàn, phòng học, phòng làm việc vừa thiếu, vừa cũ nát. Thầy và trò phải vất vả cùng nhau ngày đêm tu sửa để có lớp học và phòng làm việc tạm thời. Về đội ngũ, những ngày đầu mới thành lập Trung tâm chỉ có một tổ giáo viên văn hóa với 13 giáo viên, vừa thiếu, lại không đồng bộ, lúc đầu chỉ có 5 bộ môn văn hóa cơ bản đến năm học 1997-1998 mới học thêm 2 môn thuộc chương trình Bổ túc THPT.
Trăn trở lớn nhất của đội ngũ cán bộ quản lý Trung tâm lúc bấy giờ là làm thế nào để chuyển từ mô hình Trường Bổ túc văn hóa trở thành mô hình trung tâm GDTX cấp tỉnh đảm nhiệm nhiều chức năng nhiệm vụ. Với phương châm: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đội ngũ cán bộ quản lý Trung tâm đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của ngành, từ đó chủ động vận dụng, sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh của trung tâm, của địa phương. Việc đầu tiên là tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục thường xuyên, tìm sự đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng cơ sở vật chất, cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Nhà giáo Lê Thị Vân Bình – Giám đốc đầu tiên của Trung tâm đã từng tâm sự: “Đưa trung tâm đi lên bằng cách nào với một cơ sở lớp học nhờ tạm bợ, nghèo nàn, với một đội ngũ bao năm chỉ biết dạy bổ túc văn hóa?”. Với quyết tâm “Hiện đại hoá nhà trường” bằng việc đào tạo tin học, để từ đó có điều kiện đi vào các lĩnh vực khác, tập thể lãnh đạo, giáo viên của Trung tâm đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, vượt qua mọi khó khăn để mở rộng loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Bắt đầu từ việc vay tiền mua máy tính, mời thầy, đào tạo giáo viên Toán, Lý về CNTT đến việc thuê, mượn phòng học, tổ chức tự biên soạn tài liệu và việc vận động học viên đi học. Sau mỗi khoá học lại rút kinh nghiệm, vừa làm vừa tự điều chỉnh.
Từ việc đào tạo Tin học, Ngoại ngữ, Trung tâm phát triển sang lĩnh vực liên kết đào tạo; tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng giáo viên và đến 2003, thực hiện thêm nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng và đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào.
…đến thành tựu của 20 năm xây dựng và phát triển
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm GDTX tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Hội thảo “Xây dựng các chuyên đề và tích hợp kiến thức môn học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học viên”. Ở lĩnh vực nào Trung tâm cũng đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Xác định việc nâng cao trình độ học vấn bậc THPT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang là một trong những yêu cầu cấp thiết trong chiến lược quy hoạch và đào tạo cán bộ của tỉnh, Trung tâm đã tích cực đa dạng hóa chương trình và hình thức học tập: Chương trình GDTX cấp THPT hệ 3 năm 3 lớp cho đối tượng học viên trong độ tuổi; Chương trình GDTX hệ 2 năm 3 lớp cho cán bộ, công chức cấp xã; tổ chức mở lớp học ban ngày, lớp học ban đêm và các ngày nghỉ; tổ chức các lớp phụ đạo, bồi dưỡng cho học viên có học lực yếu kém…Trong 20 năm, Trung tâm đã mở được 168 lớp cho 4.618 học viên (với hơn 1.700 cán bộ, viên chức, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang; 2661 học viên là người dân tộc), đã tốt nghiệp ra trường gần 4.500 học viên. Những năm gần đây, Trung tâm luôn chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học viên học Chương trình GDTX cấp THPT.
Về lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng Tin học, ngoại ngữ, Trung tâm đã thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình Giáo dục thường xuyên. Sau 20 năm, Trung tâm đã đào tạo và cấp chứng chỉ Tin học cho 6.414 học viên, trong đó 5.109 học viên là cán bộ, công chức, viên chức. Liên kết với Trường Đại học CNTT và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở 4 lớp kĩ sư CNTT với 227 học viên, đáp ứng yêu cầu phát triển về CNTT của tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các lớp tự làm chủ máy tính cho cán bộ xã, giáo viên tiểu học; dạy nghề Tin học văn phòng cho học viên bổ túc và lưu học sinh Lào; đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Anh cho hơn 400 học viên; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức với trên 20.000 lượt học viên.
Lễ tổng kết và trao bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hệ vừa làm vừa học ngành Âm nhạc, Mĩ thuật và Lịch sử, khóa 2012-2015, trường ĐHSP Hà Nội. Song song với việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng các lớp bổ túc THPT, đào tạo tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng ngắn hạn, Trung tâm đã từng bước nghiên cứu và xây dựng mô hình liên kết đào tạo với các trường Cao đẳng, Đại học để mở các lớp đại học, cao đẳng hình thức: vừa làm vừa học, từ xa, liên thông, chính quy. Từ năm 1998 đến nay, Trung tâm đã liên kết với 20 trường Đại học, Cao đẳng và Học viện có uy tín trong nước mở được 149 lớp, 10.635 học viên với 27 chuyên ngành đào tạo. Trong đó 741 học viên là CBCCVC cấp tỉnh; 1.233 học viên là CBCCVC cấp huyện, 788 học viên là CBCC cấp xã; 6.214 học viên là cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo. Số lớp đã tốt nghiệp ra trường là 123 lớp với 9.115 học viên; số lớp hiện tại đang học là 26 lớp, 1.520 học viên. Hoạt động liên kết đào tạo phát triển mạnh tại trung tâm GDTX tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức và viên chức của địa phương. Đặc biệt Trung tâm có đóng góp lớn trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phổ cập xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và xây dựng trường Chuẩn quốc gia của ngành giáo dục và đào tạo Điện Biên. Mô hình liên kết đào tạo tại trung tâm đã tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người học về xã hội hóa giáo dục trong điều kiện ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí hỗ trợ cho học tập nâng cao trình độ của mọi đối tượng.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Quân – Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu trong Lễ kỉ niệm 40 năm ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào (ngày 02/12/1975 – 02/12/2015). Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về Giáo dục và Đào tạo, trong 13 năm, Trung tâm đã tiếp nhận, quản lí và đào tạo tiếng Việt cho 1.100 lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào nói chung, giữa tỉnh Điện Biên và ba tỉnh Bắc Lào nói riêng. Đặc biệt, năm học 2016-2017, Trung tâm GDTX tỉnh đã mở rộng tuyển sinh đào tạo tiếng Việt diện tự túc kinh phí cho 69 lưu học sinh Lào. Ghi nhận thành tích trên, Trung tâm được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; được Chính phủ tặng Bằng khen; nước CHDCND Lào trao tặng Huân chương hữu nghị Việt – Lào; nhiều năm được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, Bằng khen; liên tục được UBND tỉnh công nhận là đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.
Đặt trong hệ thống các Trung Tâm GDTX cấp tỉnh của cả nước, Trung tâm GDTX tỉnh Điện Biên còn khiêm tốn về tuổi đời cũng như bề dạy thành tựu. Nhưng những kết quả và thành công trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm GDTX tỉnh đã đánh dấu một chặng đường phát triển đầy ý nghĩa. Đó là 20 năm phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên và học viên của trung tâm. Từ một nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa chuyển sang mô hình GDTX thực hiện nhiều nhiệm vụ; từ quy mô vài lớp bổ túc văn hóa đến quy mô hàng chục lớp với nhiều chương trình, loại hình đào tạo khác nhau với hàng ngàn học viên, sinh viên; từ gần chục cán bộ, giáo viên đến nay đã có một tập thể sư phạm với gần 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu, trong đó có 11 thạc sĩ; từ chỗ cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn đến một cơ ngơi khang trang, hiện đại. Những thành tích và kết quả đó là kết tinh ý chí, nghị lực và công sức của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên, sinh viên trung tâm.
Có thể nói, sự phát triển của Trung tâm GDTX tỉnh nói riêng, của Giáo dục thường xuyên tỉnh Điện Biên nói chung đã mở ra cơ hội thuận lợi học tập thường xuyên, liên tục cho cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 20 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm GDTX tỉnh là minh chứng thuyết phục về sự phát triển bền vững của mô hình “Giáo dục thường xuyên – đào tạo liên tục – học tập suốt đời”, khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và có hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với sự nghiệp phát triển Giáo dục và Đào tạo nói chung, đối với giáo dục thường xuyên nói riêng.
Và niềm tin vào sự phát triển bền vững của ngôi trường 20 năm tuổi
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã chỉ rõ mục tiêu: “Đối với giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề;…. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa”. Như vậy vấn đề đặt ra là Trung tâm GDTX tỉnh cần xác định những mục tiêu, mô hình cũng như giá trị cốt lõi của mình trong 10, 15 năm tới.
Trước hết, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Trung tâm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và không ngừng phấn đấu để Trung tâm trở thành một cơ sở GDTX nòng cốt trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng “xã hội học tập”. Làm tốt công tác truyền thông, quảng bá những hoạt động của Trung tâm nhằm tuyên truyền sâu rộng về vai trò, vị trí của GDTX trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Thứ 2: Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Nghị quyết, Kế hoạch hành động của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong đó có đổi mới giáo dục thường xuyên để cụ thể hóa vào các lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể tại Trung tâm.
Thứ 3: Tiếp tục nghiên cứu và không ngừng đổi mới công tác quản lý và tổ chức hoạt động của Trung tâm. Đảm bảo quy mô số lượng, tiếp tục đa dạng hóa các phương thức đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tăng cường hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học, học viện đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh. Mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề và tổ chức giáo dục khởi nghiệp; tổ chức hoạt động tư vấn du học; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức và cá nhân tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn: giáo dục kỹ năng sống; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và người lao động.
Thứ 4: Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào theo Đề án của tỉnh; mở rộng quy mô đào tạo tiếng Việt theo diện tự túc kinh phí với các tỉnh Bắc Lào nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào.
Thứ 5: Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục năng động, sáng tạo, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy; tiếp tục phân loại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhiệm vụ cầu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT theo Thông tư số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT.
Thứ 6: Tiếp tục phát huy các nguồn lực, xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại; sử dụng có hiệu quả các phòng đào tạo trực tuyến do Chính phủ Hàn Quốc, Viện Đại học Mở Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo tài trợ, đầu tư. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; tạo điều kiện cho Trung tâm có đủ khả năng đa dạng hóa về nội dung đào tạo cũng như hình thức tổ chức đào tạo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.
Với truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm GDTX tỉnh sẽ có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chúc ngôi trường 20 tuổi có thêm nhiều sức trẻ để luôn mạnh mẽ và quyết liệt trong làm mới chính mình, để có những khám phá mới, thành tựu mới.
Nguyễn Thị Thúy - Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp