Chương trình bồi dưỡng là căn cứ của việc quản lý, tổ chức biên soạn tài liệu và thực hiện bồi dưỡng, tự bồi dưỡng CBQL trường trung học; giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của CBQL trường trung học để thực hiện mục tiêu giáo dục trung học, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trung học theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và theo yêu cầu của Chuẩn hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo đó, Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học là chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, bao gồm nội dung bồi dưỡng bắt buộc, nội dung bồi dưỡng tự chọn và hướng dẫn thực hiện chương trình.
Nội dung bồi dưỡng bắt buộc bao gồm: Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học cấp trung học áp dụng trong cả nước, bao gồm các nội dung về đường lối, chính sách phát triển giáo dục và giáo dục trung học; yêu cầu về công tác quản lý giáo dục trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo từng năm học. Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục trung học theo từng thời kỳ của mỗi địa phương bao gồm các nội dung về phát triển giáo dục trung học của địa phương; về quản lý việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa - kiến thức giáo dục địa phương; phối hợp với các chương trình, dự án (nếu có) do sở giáo dục và đào tạo quy định cụ thể theo từng năm học.
Nội dung bồi tự chọn gồm 50 mô đun về các lĩnh vực/năng lực quản lý trường trung học, trong đó: nội dung bồi dưỡng chung: 19 mô đun; nội dung bồi dưỡng dành cho CBQL trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học gồm 15 mô đun; nội dung bồi dưỡng cho CBQL trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học: 16 mô đun.
Chương trình bồi dưỡng thường xuyên được thực hiện trong năm học và thời gian bồi dưỡng hè hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và của cá nhân CBQL trường trung học. Mỗi CBQL trường trung học thực hiện chương trình bồi dưỡng được quy định tại Thông tư này với thời lượng 120 tiết/năm học. Đối với nội dung bồi dưỡng tự chọn, CBQL tự lựa chọn các mô đun bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng của cá nhân hoặc theo quy định của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo theo phân cấp quản lý về thời lượng thực hiện khối kiến thức này trong từng năm học.
Hình thức bồi dưỡng là tự học và tự học có hướng dẫn. Các lớp bồi dưỡng tập trung (nếu có) chủ yếu để báo cáo viên hướng dẫn thêm những nội dung mới hoặc khó, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn tự học, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo và quản lý nhà trường.
Về đánh giá và công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên, cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên xây dựng các tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá kết quả bồi dưỡng thông qua bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu hoặc viết thu hoạch, báo cáo chuyên đề, ... và xếp loại theo hai mức đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu. CBQL tham gia khóa bồi dưỡng được đánh giá kết quả, nếu đạt yêu cầu được sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo theo phân cấp quản lý cấp giấy chứng nhận và lưu trong hồ sơ công chức, viên chức hàng năm; kết quả bồi dưỡng thường xuyên là một minh chứng để xếp loại CBQL theo Chuẩn hiệu trưởng và thực hiện các chế độ chính sách khác đối với CBQL trường trung học.
Theo quy định mới này, CBQL trường trung học không phải thực hiện các quy định trong Thông tư số ngày 08/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên THPT; Thông tư số ngày 08/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên THCS.
Thông tư 27/2015/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/12/2015.