Thầy Tập (bên phải) phát thẻ dự thi kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh cho các em học sinh. Ảnh: NVCC Lên rừng...
Sinh ra ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), năm 2008 sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn của trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, thầy Tập lại lựa chọn lên vùng cao Điện Biên công tác và dạy học. “Bến đò” đầu tiên của thầy Tập là ngôi trường THPT Chà Cang (xã Chà Cang, huyện Mường Nhé, nay là huyện Nậm Pồ). Ngôi trường “ngự” tại mảnh đất mà người ta vẫn quen gọi là “ngã ba Chà” (3 xã gồm: Chà Nưa, Chà Tở, Chà Cang).
Chà Cang cách trung tâm huyện lỵ Mường Nhé hơn 80km. Những ngày đầu đứng trên bục giảng, thầy Tập đối diện với rất nhiều thách thức bởi là giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm. Rào cản về ngôn ngữ, văn hóa giữa thầy và trò khiến cho việc truyền thụ kiến thức càng gặp nhiều khó khăn.
Năm 2012, huyện biên giới Nậm Pồ (Điện Biên) được thành lập trên cơ sở chia tách, sáp nhập một số xã của hai huyện Mường Nhé và Mường Chà. Lúc này, cả huyện mới có ngôi trường duy nhất hệ THPT nơi thầy Tập công tác. Ở đây có tới 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Đối diện với muôn vàn khó khăn, thầy Tập tự lên kế hoạch khắc phục. Thầy không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng ngày một tốt hơn công việc được giao. Học trò quý mến, cấp trên tín nhiệm, năm 2015 thầy Tập được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng nhà trường.
Ban giám hiệu cùng 68 học sinh lớp 10, 11 tham dự thi chọn học sinh giỏi năm học 2019-2020. Ảnh: NVCCSau 10 năm gắn bó với Chà Cang, đến tháng 4/2018, thầy được điều động sang môi trường mới để đặt những “viên gạch” đầu tiên. Đó là trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ. Đến tháng 7/2019, thầy được giữ chức Hiệu trưởng. Cũng bởi mới được thành lập, nên bản thân thầy Tập và tập thể giáo viên trong trường phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Họ đã nỗ lực không ngừng về mọi mặt. Bằng tinh thần trách nhiệm với công việc, thầy đã xây dựng được một tập thể cán bộ, giáo viên đoàn kết, vững mạnh.
Cô Ngần Thị Hướng - giáo viên Ngữ văn chia sẻ: “Trên hành trình xây dựng trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ, chúng tôi tự hào khi có người hiệu trưởng tận tụy với nghề, tận tâm với trò. Thầy Tập luôn quan tâm tới đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, nhân viên, đó cũng là động lực rất lớn cho chúng tôi yên tâm công tác và gắn bó với trường”.
Bứt phá “thần kỳ”
“Thầy Tập là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo. Trong công tác chuyên môn thầy luôn chỉ đạo sát sao, thường xuyên trao đổi, đánh giá kết quả dạy và học, đề xuất những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích giáo viên học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”, cô Ngần Thị Hướng nói thêm.
Theo thầy Tập, đến bây giờ mới có đủ các khối học. Số lượng học sinh ở trường ít, dù là trường nội trú nhưng cơ sở vật chất lại chưa có nên khó khăn lại tăng lên bội phần.
“Không vì thế mà cứ chần chừ đợi khi nào điều kiện đầy đủ mới phát triển được. Tôi luôn nhủ rằng: “Bằng mọi cách phải khắc phục khó khăn để đưa trường đi vào hoạt động hiệu quả”. Mình không tạo được môi trường tốt thì làm sao đồng bào có thể tin tưởng, gửi gắm con em?", thầy Tập chia sẻ.
Thầy Tập ôn luyện cho các em đội tuyển học sinh giỏi tỉnh. Ảnh: NVCC Em Bùi Thị Yến Nhi, học sinh lớp 12C3 cho biết: “Thầy Tập luôn có phương pháp dạy mới lạ và đặc biệt để mang đến những giờ học tuyệt vời nhất cho học sinh. Mỗi tiết học của thầy đều thu hút được sự chú ý của cả lớp, nhiều bạn còn quên mất mình từng cho đó là môn học “buồn ngủ” nhất. Ngoài ra, em còn cảm nhận được ở thầy nguồn năng lượng tích cực không chỉ ở lúc dạy học mà còn ở các hoạt động ngoại khóa của trường”.
Trong điều kiện muôn vàn khó khăn ấy, chỉ sau mấy năm đi vào hoạt động, Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ đã bứt phá vươn lên để trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Năm học 2019 – 2020, trường vẫn chưa có học sinh lớp 12. Thế nhưng, tại kì thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa và máy tính cầm tay lớp 9 và lớp 12, 33 học sinh lớp 11 của trường đã mạnh dạn đi thi vượt cấp chương trình lớp 12. Trong số đó, 16 em đã xuất sắc đạt giải.
Năm học sau đó, trường có 51 học sinh đạt giải cấp tỉnh các môn văn hóa và máy tính cầm tay, xếp thứ 7/33 trường THPT toàn tỉnh. Đặc biệt, trường có 2 em được lựa chọn tham gia đội dự tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học. Đáng chú ý, trong năm học này, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường đã đạt 100%. Điểm thi trung bình các môn toàn trường xếp thứ 4/39 đơn vị có thí sinh dự thi.
Hơn mười năm gắn bó với giáo dục vùng cao, trong nhiều năm liên tiếp, thầy Nguyễn Văn Tập đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Bên cạnh đó, thầy liên tục được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Những thành tích trên là niềm tự hào không chỉ của bản thân, gia đình thầy Tập, mà còn là nền tảng, động lực để cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường noi gương./.