Giờ học của cô và trò Ðiểm trường Nậm Ty, Trường Tiểu học xã Hua Thanh.
Chỉ cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ hơn 25km nhưng con đường đến với Nậm Ty vẫn luôn là nỗi lo ngại của mọi giáo viên. 2 giờ chiều chủ nhật tuần vừa rồi, các cô giáo tiểu học chờ nhau tại đỉnh đèo Cò Chạy. Từ đây vào trường chỉ còn hơn 10km nhưng mới là bắt đầu của đoạn đường gian nan. Trung tâm thành phố vẫn nắng đẹp, còn ở đây mưa càng lúc càng nặng hạt. Ðây là “chuyện thường ngày” bởi địa điểm này có khí hậu lạnh, thường xuyên mưa. Ngớt mưa, gần 4 giờ chiều, các cô nổ máy xe lên đường. Những sống trâu, ổ gà, dốc cua hôm nay càng thêm khó đi bởi mưa trơn trượt. Dù quấn xích nhưng bánh xe vẫn rê ngang đường. Chân luôn nhấn phanh, tay tê cứng giữ chặt tay lái nhưng chốc chốc xe lại ngả nghiêng, trượt đổ, bánh xe vẫn xoay tròn tại chỗ. Cuối cùng 1 người nổ máy dắt, 1 người đẩy phía sau. Sau 2 giờ, cuối cùng các cô cũng vào đến điểm trường. “Hôm nay đi vẫn bình thường so với mọi khi. Có lần giáo viên đi mất 5 giờ mới vào đến nơi. Chuyện ngã xe, bầm tím cả tay, chân là thường xuyên. Dù mặc cả bộ quần áo mưa cẩn thận nhưng tuần trước tôi vẫn bị mưa ướt làm hỏng điện thoại. Còn trời nắng thì đường rất xóc, người ngồi sau luôn phải bám thật chặt” - cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên Ðiểm trường Nậm Ty chia sẻ. Trong trí nhớ của cô giáo Lan, đường vào Nậm Ty chục năm trước còn khó đi hơn rất nhiều, đường nhỏ, dốc, gồ ghề đầy ổ gà lõm sâu. Lần đầu cô vào Nậm Ty là năm 2008. Cách 2 năm, mỗi giáo viên lại được nhà trường luân chuyển lên điểm trường này dạy 1 năm học. Cô Lan đã 5 lần lên cắm bản Nậm Ty. Từ một cô giáo trẻ chưa từng cầm lái đường khó, giờ cô đã trở thành “tay lái cứng” của điểm trường.
Mọi gian nan về giao thông sẽ không là gì với thầy cô nếu các trò chuyên cần, hiếu học. Nhưng ở Nậm Ty, để làm tốt công tác giáo dục còn rất nhiều khó khăn. Năm học 2020 - 2021, Ðiểm trường Tiểu học Nậm Ty có 7 cán bộ giáo viên, đón 147 học sinh của 2 bản Nậm Ty A, Nậm Ty B. Gần 100% học sinh sống trong gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, không người chăm sóc bởi hệ quả của bố mẹ “dính” vào ma túy. Vì vậy không ít em có ý định bỏ học hoặc gia đình muốn em nghỉ học để lao động, nhất là học sinh nữ. Thầy cô thường xuyên phải nắm bắt tâm tư, tình hình gia đình, khuyên nhủ, tâm sự, vận động để các em ra lớp. Khối lớp 4 có em Hờ Thị Phánh, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố Phánh mất, mẹ đi lấy chồng. Phánh cùng 2 người anh chị khác ở cùng bà nội. Bà đã già yếu, một mình làm nương nuôi các cháu nên muốn Phánh nghỉ học phụ giúp. Cô Trịnh Thị Ngọc Lan (khi đó là giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của Phánh) cùng các thầy cô khác nhiều lần đến nhà chuyện trò, chia sẻ, giúp đỡ gia đình nên bà nội đồng ý tiếp tục cho Phánh đi học. Năm học mới này, em cũng đã đến lớp đầy đủ. Những trường hợp khó, nhà trường, điểm trường phối hợp cùng chính quyền xã, bản, chiến sĩ biên phòng cùng tuyên truyền, vận động, đưa các em đến lớp.
Giáo viên Ðiểm trường Nậm Ty quấn xích bánh xe trước khi xuất phát vào điểm trường.
Ðể học sinh yên tâm đi học, thầy cô còn hỗ trợ các em sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, đôi khi cả những đồ ăn, gói mì... Phụ huynh học sinh Nậm Ty không phải tự mua sách giáo khoa cho con em mình. Hàng năm từ nguồn sách của trường và thầy cô xin được sách cũ của các học sinh địa bàn thuận lợi khác, học sinh Nậm Ty đều có sách học. Ðầu năm học này, giáo viên điểm trường cũng đã kêu gọi được gần 20 bộ sách giáo khoa cũ để các em có đủ sách trước khi khai giảng. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn còn được giáo viên sắm cho từ chiếc bút, thước, vở viết... và xin quần áo cũ còn sạch đẹp cho các em đến trường. Cô Trịnh Thị Ngọc Lan, Cụm trưởng Ðiểm trường Nậm Ty chia sẻ: “Ðầu năm học, các cô luôn mua sẵn một số đồ dùng học tập, vở viết để phát cho học sinh. Sau khi vào học, rà lại từng em, em nào chưa đủ sách vở, đồ dùng cần thiết mà gia đình không có điều kiện, không thể mua thì giáo viên lại một lần nữa sắm cho các em. Tất cả đều là tiền cá nhân, ít thì 1 - 2 triệu đồng, nhiều thì cả chục triệu. Bản thân tôi, năm học trước cũng đã tự bỏ tiền mua đồ cho các em. Năm nay, các cô khối lớp 1 còn phải chi tiền trước mua sách giáo khoa chương trình mới cho các em. Nói là chi trước nhưng để thu lại thì rất khó”. Anh Giàng A Lầu, có con trai Giàng A Thái, học sinh lớp 3 Ðiểm trường Nậm Ty cho biết: Ðầu năm học này tôi sắm đồ cho con hết hơn 100.000 đồng. Năm nào, cô giáo cũng chuẩn bị sách giáo khoa giúp rồi nên gia đình cũng bớt áp lực. Nếu phải tự mua sách giáo khoa thì nhà tôi cũng khó xoay xở. Các cô lên đây vất vả mà giúp các cháu nhiều thế này, chúng tôi biết ơn lắm”.
Ở Nậm Ty còn rất nhiều khó khăn khác đối với các giáo viên điểm trường. Ðó là chuyện thiếu nước vào mùa khô, từng người chỉ có thể xách can 2 - 5 lít leo bộ xuống mó nước dưới vực sâu để mang lên sinh hoạt, nấu ăn cho cả cô và trò; là những bữa ăn chỉ lạc rang vì mưa kéo dài không tiếp tế được thực phẩm; là cơ sở vật chất, công trình vệ sinh còn thiếu thốn... Vượt lên trên vô vàn khó khăn, các giáo viên nơi đây vẫn cống hiến hết mình vì công tác giáo dục vùng cao, để giờ đây 100% học sinh Nậm Ty ra lớp đúng độ tuổi và đi học chuyên cần; “hầu hết các em đã thích đi học, muốn theo đuổi con chữ để thoát nghèo” như lời Trưởng bản Nậm Ty B - Giàng A Vàng chia sẻ./.