Để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân và góp phần quản lý xã hội, kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân. Tính đến hết năm 2013, toàn quốc đã làm thủ tục và cấp được 68.124.934 Chứng minh nhân dân, đạt 96,6% so với tổng số người trong diện cấp Chứng minh nhân dân; trong đó, đổi 18.034.383 Chứng minh nhân dân, cấp lại 16.000.013 Chứng minh nhân dân.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn, nhưng cho đến nay, các quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật. Trước sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh thực hiện hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra những yêu cầu mới. Để đáp ứng những yêu cầu đó, ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13; Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Để tuyên truyền, triển khai các quy định của Luật Căn cước công dân tới cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên toàn ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo gửi Đề cương giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật để các đơn vị làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Căn cước công dân./.