cá độ bóng đá trực tuyến xoilac - Game Bài Đổi Thưởng

banner

Từ Bản Phủ đến Mường Phăng

Thứ ba - 21/05/2019 22:59
Đất Điện Biên từ xưa vốn là miền biên giới xa xôi mà ông cha ta đã đặt cho cái tên đầy ý nghĩa là nơi biên khu được bảo tồn, gìn giữ, vững chắc như chiếc âu vàng nằm trong lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, như trong câu thơ đầy khí thế tự tôn dân tộc của đức vua Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm, trở về bái yết Chiêu Lăng: “Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Non sông nghìn thủa vững âu vàng).
Đất này từ đời Lý được gọi là châu Ninh - Viễn, có nghĩa là nơi địa đầu xa xôi của đất nước nhưng được giữ tuyệt đối an ninh, dân địa phương gọi nôm na là Mường Lễ.
Chỉ một lần, lúc nhà Trần, nhà Hồ suy vi, quan lại ở biên cương kiêu ngạo lộng hành, tên quan phụ đạo Đèo Cát Hãn làm phản, dâng đất cho nhà Minh bên Trung Quốc. Đến đời vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa dựng nghiệp mới, đánh tan quân Minh, dẹp yên Đèo Cát Hãn, thu hồi lại một dải biên cương Mường Lễ, và đặt cho cái tên mới là Phục Lễ, để ghi dấu thắng lợi khôi phục lại được toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà. Nhà vua còn viết một bài thơ khắc lên đá để cảnh cáo bọn tù trưởng phản trắc đời sau. Bài thơ chữu Hán, có ý như sau:
                                      Nghịch tặc hòng trốn trừng phạt
                                       Bốn biển chờ đã lâu
                                      Tội phản từ xưa có
                                      Đất hiểm nay đã trừ
                                      Cây cỏ xô gió bão
                                      Núi sông nhập bản đồ
                                      Đề thơ khắc núi đá
                                      Trấn góc Tây nước ta
          Nguyên văn Hán tự là:
                                      Nghịch tặc cảm đào tru
                                      Ba manh cửu hề tô
                                      Bạn thần tòng cổ hữu
                                      Hiểm địa tự kim vô
                                      Thảo mộc kinh phong hạc
                                      Sơn xuyên nhập bản đồ
                                      Đề thi khắc nham thạch
                                      Trấn ngã Việt Tây ngu.
Ở sườn núi Thác Bờ xưa có tảng đá lớn, khắc một bài thơ khác của vua Lê Thái Tổ với lời tiểu dẫn:
“Ta đi đánh Đèo Cát Hãn về qua núi này có làm bài thơ bảo cho đời sau biết đường lối chế ngự các man. Người man Mường Lễ nếu ngoan cố không theo thì phải lập tức tiễu trừ, chớ sợ đường đi hiểm trở, nước non độc địa, mà nên nghĩ đến thiên hạ sinh dân làm trọng.
                             Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan
                             Ngã lão do tồn thiết thạch can
                             Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ
                             Tráng tâm di tận vạn trùng san
                   Biên phòng hảo vị trù phương lược
                   Xã tắc ưng tu kế cửu an
                   Hư đạo nguy than tam bách khúc       
                   Như kim tịnh tác thuận lưu khan”
Tạm dịch:
                   Gập ghềnh hiểm trở chẳng từ nan
                   Già vẫn còn đây, sắt đá gan
                   Nghĩa khí quét quang ngàn chướng khí
                   Tráng tâm đạp hết vạn trùng san
                   Biên phòng mau nghĩ tìm phương lược
                   Xã tắc phải lo kế giữ an
                   Truyền hãm ba trăm nơi thác hiểm
                   Mà nay chỉ thấy thuận dòng êm.
Bài thơ thực sự là một khúc tráng ca hùng vĩ, truyền đến muôn đời sau cái ý chí không gì lay chuyển nổi: “Một tấc đất của tổ tiên để lại, chúng ta là con cháu đời sau không thể nào để mất vào tay ngoại bang”.
Trên đất Mường Thanh của Điện Biên ngày nay, cũng còn di tích thành Bản Phủ của tướng công Hoàng Công Chất (tên thật là Hoàng Công Thự) từ quê đất Vũ Thư tỉnh Thái Bình, kéo cờ ứng nghĩa lên diệt bọn tù trưởng tham quan ô lại, được các thủ lĩnh người dân tộc ở địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Tháng 5 năm 1754 nghĩa quân tiến vào Mường Thanh, đánh tan quân phỉ được gọi là giặc Phẻ, được dân Mường Thanh suy tôn là Ải Chất (tiếng Thái có nghĩ là cha Chất).
Ông mất năm 1768. Dân Mường Thanh ghi nhớ công lao, lập đền thờ ngay trong thành Bản Phủ.
Hiện nay di tích Bản Phủ còn lại một vài đoạn thành, một đôi bụi tre gai, nhắc nhớ đến thành cũ Ba Vạn, được sách xưa ghi lại chiều cao chừng 1 trượng 5 thước, rộng ước 130 mẫu, có thể chứa 3 vạn người, nên gọi là thành Tam Vạn. Tại đây có điều lạ là đền thờ Ải Chất có một tán cây rộng do hai cây đa, rễ quấn bện rễ, cành đan xen cành, rợp bóng đại thụ, tỏa rộng một bầu không khí linh thiêng.
Có một sự trùng hợp lịch sử kỳ diệu là Mường Thanh có trận Ải Chất thắng giặc Phẻ ở Bản Phủ tháng 5 năm 1954 thì đúng 200 năm sau, cũng tháng 5 năm 1954 quân đội nhân dân Việt Nam dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng và bức hàng hơn 1 vạn 6 nghìn quân lên hiệp Pháp trên chiến trường Điện Biên oanh liệt sau “Năm mươi sáu ngày đêm/ Khoét núi, ngủ hầm/ Mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non”“Gan không núng, chí không mòn”, pháo ta như “sét đánh ngày đêm/ xuống đầu giặc Pháp” làm nên chiến công oanh liệt “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Năm 1973, khi đất nước còn chiến tranh chống Mỹ, chủ tịch Cu Ba Phiđen Caxtơrô sang Việt Nam, lên thăm Điện Biên Phủ. Ông chăm chú xem sa bàn chiến dịch Điện Biên cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông bỗng hỏi:
  • Thưa Đại tướng, lúc ấy Đại tướng ở chỗ nào?
Đại tướng lấy chiếc gậy dài, chỉ vào một vị trí cách cánh đồng Mường Thanh chừng 15 km.
Chủ tịch Phiđen nói vui một câu:
  • Chiến thắng là công chung của mọi người, nhưng vai trò cá nhân cũng hết sức quan trọng, nhất là vai trò người chỉ huy chiến dịch. Thế mà ở đây thiếu Sở chỉ huy chiến dịch, dù là trên sa bàn.
Từ đấy, ý kiến của Chủ tịch Cuba, người anh hùng Môncađa nước bạn, đã được tổng cục chính trị tiếp thu, và Sở chỉ huy của Tổng Tư lệnh đã được tu bổ nguyên như cũ, nằm khiêm tốn bí mật trong khu rừng Mường Phăng, để nhắc nhở cả một thời oanh liệt, dùng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo đường 279 hướng Tuần Giáo, đến cột số 10, rẽ phải gần 20 km là đi vào Mường Phăng.
Rạng sáng ngày 31.1.1954, Đại tướng từ Huổi Hẹ Ộ (xã Nà Nhạn) vào địa phận xã Mường Phăng. Địa điểm đặt Sở chỉ huy chiến dịch nằm trong khu rừng nguyên sinh Phiềng Nặm, khoét sâu trong lòng núi Phăng, thuộc dãy núi Phu – Huốt, chắn phía đông bắc thung lũng Mường Thanh. Tiếng Thái Phăng có nghĩa là lạnh. Khu rừng Sở chỉ huy là khu Rừng Lạnh.
Chính tại Sở chỉ huy này, ngày mồng 1 Tết Giáp Ngọ (3.2.1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện tới quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công – Pháo Đào Văn Trường chúc Tết và gia lệnh cho pháo 75 ly bắn vào sân bay Mường Thanh. 10 quả đạn pháo đã làm cháy một chiếc máy bay Moran của quân Pháp và làm hư hỏng mọt chiếc khác. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thưởng huân chương cho đại đội pháo binh vừa lập chiến công.
Cũng từ Sở chỉ huy này, lúc 17 giờ 5 phút ngày 13.3, chỉ huy trưởng Võ nguyên Giáp ra lệnh cho toàn quân:
“Tôi hạ lệnh: Trận mở màn chiến dịch lịch sử bắt đầu”.
          Cũng từ đấy, trải qua 3 giai đoạn chiến đấu mãnh liệt, tấn công chiếm từng mỏm đồi bao quanh tập đoàn cứ điểm, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã hướng dẫn các mũi xung kích của quân ta lần lượt “bóc vỏ” tập đoàn cứ điểm, đánh chắc tiến chắc, xiết chặt vòng vây, đến chiều ngày 7.5.1954 xộc thẳng vào hầm Đờ Cát, bắt sống tướng chỉ huy Pháp cùng với toàn bộ Bộ Tham
mưu, buộc chúng phải giơ tay hàng, kết thúc thắng lợi chiến dịch của ta trên toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ.
          Di tích Mường Phăng đến ngày nay gần như còn nguyên vẹn cảnh quan nhờ cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ tốt. Không thể quên được công lao thầm lặng của cụ Lò Văn Bóng, sinh năm 1922, nguyên là du kích Mường Phăng năm 1954 bảo vệ vòng ngoài Sở chỉ huy. Từ sau ngày Điện Biên toàn thắng, cụ tự nguyện đảm nhận công việc bảo vệ di tích. Cụ tuyên truyền vận động nhân dân không vào chặt gỗ trong khu “Rừng Đại tướng”. Cụ cùng một số cụ khác trông nom chăm sóc các hầm, lán ở và làm việc của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, và của Thiếu tướng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, giữ gìn cây cối trong di tích, như trông nom nhà cửa cây trái trong vườn nhà mình. Nhờ vậy, hiện nay khu di tích có nhiều cây gỗ nhóm 1, nhóm 2, đường kính thân gỗ cỡ người ôm không hết giờ vẫn giữ được, rừng vẫn nguyên sơ.
          Khu rừng Mường Phăng nay đã được đồng bào địa phương gọi bằng cái tên thân thương: “Rừng Đại tướng”.
          Ngoài di tích quan trọng hàng đầu này, trên đất Mường Thanh còn nhiều di tích cần được khảo sát, bảo tồn.
          Đấy là di tích sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn; di tích kéo pháo vào, kéo pháo ra; di tích cụm cứ điểm Him Lam; di tích các cứ điểm E1, D1, C1, C2 và quan trọng nhất là cứ điểm A1.
          Cứ điểm A1 là một ngọn đồi trọc, một điểm cao then chốt trong các ngọn đồi phía đông, mà quân Pháp gọi là Eelian 2, các tuyến chiến đấu có chiến hào, hố bắn, lô cốt, hầm trú ẩn có nắp, có giao thông hào nối các tuyến với nhau. Ngoài cùng có 5 lớp rào dây thép gai, có đoạn dài hàng trăm mét, gài vô số mìn.
          Đối với ta, cứ điểm A1 là là một trong các mục tiêu chủ yếu trong các đợt tiến công thứ 2 và thứ ba của chiến dịch. Ta với địch giành giật nhau nhiều lần, qua nhiều đợt tấn công và phản công ác liệt. Cuối cùng, ngày 6.5.1954 lúc 20 giờ 20 phút, ta quyết định dùng sức nổ của 1000 kg bộc phá đã đưa vào bằng đường ngầm để cho nổ phá hủy lô cốt địch. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An  phát lệnh tiến công sau khi khối bộc phá đã nổ. Từ hướng đông nam, tiểu đoàn 249 do Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy chia làm 2 mũi tiến công lên chiếm đỉnh đồi. Thế là sau 36 ngày đêm chiến đấu, phòng ngự giữ vững phần đồi đã chiếm, quân ta đã xông vào từng ngách hầm hào, đánh chiếm hoàn toàn các lô cốt, diệt bắt toàn bộ bại binh địch, làm chủ hoàn toàn cả đồi, thấm máu bao chiến sĩ đã hy sinh cho trận toàn thắng, đúng như  Phạm Xuân Ngọc chiến sĩ Điện Biên tiểu đoàn 249, trung đoàn 174, sư đoàn 316 đã viết sau này trong hồi ký, trong thơ:
                        Cờ quyết thắng máu hồng vương đỏ cán
                        Mỗi lần nghiêng một lượt vút lên cao.
          Các đồng chí đã hy sinh để giành toàn thắng cho chiến dịch. Dù không còn nữa, nhưng di tích mà các đồng chí để lại là di sản quý báu cho các thế hệ sau, tạo nên sức mạnh tinh thần cho đời nay và đời sau tiếp nối truyền thống anh hùng, quyết tâm quyết chí bảo vệ Tổ quốc.
                                                                   Điện Biên Phủ, tháng5 năm 2019
 (Phạm Thị Xuân Châu - TS Văn học)

 

  Ý kiến bạn đọc

Quản lý thành viên
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập797
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm711
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay54,340
  • Tháng hiện tại949,245
  • Tổng lượt truy cập66,219,291
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi