Thấu hiểu được nỗi cơ cực của học sinh và thầy, cô giáo; cùng với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chúng tôi đã tích cực vận động bà con san sẻ khó khăn với các trường; hộ nào có gì góp nấy, nhiều phụ huynh ủng hộ tre nứa, lá, gạch đá... cùng nhà trường làm bếp ăn tập thể, xây bồn hoa, làm sân chơi; hàng ngày đến nấu cơm cho học sinh ở các trường bán trú… cốt là để các cháu yên tâm học tập, lao động sáng tạo, phát huy được trí tuệ để học tập, rèn luyện, xây dựng quê hương Chà Nưa ngày càng giàu đẹp, phát triển... Không chỉ góp sức, với sự kêu gọi của xã, nhà trường, thực hiện chương trình “xã hội hóa giáo dục” bà con đã tích cực, chủ động đóng góp tiền của để xây dựng trường lớp, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Phụ huynh học sinh và nhân dân xã Chà Nưa góp công giúp các trường tu sửa cơ sở vật chất chuẩn bị vào năm học mới.
Để có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xã hội hóa giáo dục, theo ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa: “Khó nhất là ở lòng dân, khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng thành công”... Trên cơ sở đó, xã xác định rõ mục tiêu đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển lâu dài. Nhiều năm trở lại đây, xã đã tập trung phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và lan tỏa trong nhân dân về chủ trương xã hội hóa giáo dục; huy động nhân lực, vật lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ cho giáo dục xã nhà. Hiện nay, toàn xã có 3 cấp học từ mầm non đến THCS; trong đó, trường mầm non giữ chuẩn mức độ 1, trường tiểu học phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm học 2017 - 2018; với số lượng học sinh gần 800 em, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của các trường học trong xã về cảnh quan, trường lớp, điều kiện dạy và học của thầy và trò, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục địa phương... Với tinh thần “tự nguyện, bình đẳng và công khai” đến mọi tầng lớp nhân dân, Đảng ủy chính quyền và các ban ngành đoàn thể xã đã huy động mọi nguồn lực đóng góp cho nền giáo dục. Cụ thể, năm học 2016 - 2017, thông qua cuộc vận động, các hộ gia đình đã đóng góp được hơn 2.000 ngày công lao động xây dựng trường lớp học, sửa chữa mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy học; kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp với tổng số tiền ban đầu gần 170 triệu đồng.
Cô Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa chia sẻ: Với phương châm “Phụ huynh được bàn, phụ huynh được làm, phụ huynh được kiểm tra”, thời gian qua ngoài làm tốt công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học, trường đã làm tốt việc tuyên truyền đến nhân dân và phụ huynh học sinh hiểu rõ và nhận thức sâu rộng về giáo dục, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng trường lớp. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, trường phối hợp chặt chẽ với ban đại diện phụ huynh học sinh rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, liệt kê các hạng mục cần tu sửa để bàn bạc, thống nhất đóng góp và tự kiểm tra, giám sát. Qua từng năm học, nhà trường luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân về cơ sở vật chất cũng như những đồ dùng cần thiết cho giáo viên và học sinh...
Có thể thấy rằng, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân sách chi cho giáo dục ở Nậm Pồ nói chung, Chà Nưa nói riêng còn khiêm tốn thì xã hội hóa chính là “chìa khóa” mở ra cơ hội, chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng cao bay xa trên bầu trời tri thức... Nhưng để làm được điều đó, trước nhất các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ cần đề ra những giải pháp thiết thực nhằm đánh thức vai trò, cộng đồng trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục.