Ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma túy, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 ngày 09/12/2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2001, Luật này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 16/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy, và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009.Theo đó, Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy.
I. Luật quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Trồng cây có chứa chất ma túy;
2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy;
4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy;
5. Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có;
6. Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy;
7. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy;
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy;
9. Các hành vi trái phép khác về ma túy.
Luật quy định phòng, chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; tổ chức đấu tranh chống các tội phạm về ma túy và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; kết hợp phòng, chống tệ nạn ma túy với phòng, chống các loại tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
II. Về phòng, chống ma túy, Luật quy định cá nhân, gia đình có trách nhiệm:
1. Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma túy;
2. Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh;
3. Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác;
4. Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.
Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma túy.
Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức. Tại các vùng phải xóa bỏ cây có chứa chất ma túy, các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma túy; quy hoạch cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thị trường phù hợp để nhân dân chuyển hướng sản xuất có hiệu quả.
III. Luật quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Tổ chức và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh;
2. Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân tham gia tệ nạn ma túy;
3. Giám sát hoạt động phòng, chống ma túy ở cơ quan, nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và địa bàn dân cư;
4. Phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để vận động cai nghiện ma túy; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.
V. Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma túy;
2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy;
3. Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma túy.
Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức phòng, chống ma túy ở cơ quan, đơn vị mình; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia tệ nạn ma túy; tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn ma túy.
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma túy; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của Nhà nước về phòng, chống ma túy.
Tác giả: Triệu Đình Ven
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn