Là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, với đội ngũ gồm 32 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất trường lớp khang trang sạch đẹp, có đầy đủ các hệ thống phòng chức năng, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới trong tình hình hiện nay. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường xác định trong năm học 2022-2023 là nâng cao chất lượng hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em của trường.
Giáo viên trường MN xã Noong Luống tham gia sinh hoạt chuyên môn Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó, ngay từ đầu năm học 2022-2023 lãnh đạo nhà trường, các tổ trưởng, giáo viên đã tổ chức họp, xây dựng kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ nhằm đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn trong nhà trường. Một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cao đó là việc tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.
Để việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn sát với tình hình thực tế có chất lượng tốt và đem lại hiệu quả thiết thực, phá bỏ lối sinh hoạt hành chính đòi hỏi người giáo viên phát huy sự sáng tạo, linh hoạt và tập trung cao độ trong quá trình làm việc, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện đúng chu trình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học với 4 bước: (1) Chuẩn bị/thiết kế bài học, (2) Dạy và dự giờ, quan sát việc học của trẻ, (3) Suy ngẫm/chia sẻ, (4) Áp dụng/thiết kế lại.
Trong quá trình chuẩn bị, thiết kế bài giảng cũng như quá trình tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn, người điều hành hoạt động sinh hoạt chuyên môn luôn khuyến khích ý tưởng sáng tạo của giáo viên. Trong quá trình dự giờ, giáo viên lựa chọn vị trí để có thể quan sát được việc học của trẻ; vận dụng kỹ năng quan sát trẻ theo quá trình để quan sát cả về thái độ, hành vi cũng như cảm xúc khi tham gia các hoạt động. Hoạt động thảo luận sau khi dự giờ luôn được chú ý tạo không khí cởi mở, phát huy kết quả làm việc cá nhân, làm việc nhóm của giáo viên. Đặc biệt, người điều hành hoạt động sinh hoạt chuyên môn là người có năng lực đánh giá, tổng hợp, khái quát vấn đề và định hướng thực hiện nhiệm vụ cho giáo viên.
Cô giáo Đặng Thị Loan cùng các bé lớp Mẫu giáo lớn A1 trong hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn Thông qua quá trình dự giờ - quan sát - suy ngẫm và các hoạt động chia sẻ thực tế việc học của trẻ theo các tiêu chí “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” đã mang lại cách nhận thức mới cho cán bộ quản lý, giáo viên trong việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn; tạo cơ hội để giáo viên học tập lẫn nhau trong thực tế, từ đó đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục mạnh dạn có những giải pháp đổi mới về cách thức tổ chức cũng như hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đổi mới chăm sóc giáo dục trẻ, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Từ đó góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng đội ngũ của nhà trường ngày một vững vàng, năng động.