Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn thư viện đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông có hiệu lực từ ngày 07/01/2023. Theo đó, quy định thư viện trường mầm non phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn, gồm:
- Tiêu chuẩn về tài nguyên thông tin, có 2 mức độ:
+ Mức độ 1: Có đủ tài nguyên thông tin, bảo đảm phù hợp với độ tuổi, tâm lý của trẻ em; đáp ứng nhu cầu hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và yêu cầu giáo dục của giáo viên; phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non, được xử lý theo quy tắc nghiệp vụ thư viện; mỗi trẻ em có ít nhất 02 bản sách, mỗi giáo viên có ít nhất 03 bản sách; phát triển tài nguyên thông tin bảo đảm phù hợp với chương trình giáo dục, đa dạng về nội dung và hình thức.
+ Mức độ 2: Thư viện trường mầm non đạt tiêu chuẩn tài nguyên thông tin Mức độ 2 bảo đảm quy định Mức độ 1 và các quy định sau: Có tài nguyên thông tin mở rộng gồm: kiến thức chuyên môn; phương pháp giáo dục mầm non trong nước và ngoài nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên và người làm công tác thư viện; sách in, tranh, ảnh, bản đồ, báo, tạp chí, bản ghi âm, ghi hình, truyện tranh, mô hình, ảnh dạng thẻ, học liệu điện tử bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc (nếu có); mỗi trẻ em có ít nhất 03 bản sách, mỗi giáo viên có ít nhất 04 bản sách.
- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, có 2 mức độ:
+ Mức độ 1: Thư viện trường mầm non được bố trí tại khu vực thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng của trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật; ưu tiên bố trí tại tầng một (tầng trệt) gần khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em; diện tích thư viện được xác định đối với 30% đến 50% tổng số trẻ em toàn trường và bảo đảm định mức tối thiểu 0,60 m2/trẻ em. Tổng diện tích thư viện không nhỏ hơn 48 m2 (không tính diện tích không gian mở).
+ Mức độ 2: Đạt các tiêu chuẩn của Mức độ 1 và các quy định sau: Có phòng đọc cho trẻ em tối thiểu 25 chỗ, bảo đảm diện tích một chỗ ngồi trong phòng đọc không nhỏ hơn 1,5 m2/chỗ; phòng đọc cho giáo viên tối thiểu 15 chỗ, bảo đảm diện một chỗ ngồi trong phòng đọc không nhỏ hơn 2,4 m2/chỗ.
- Tiêu chuẩn về thiết bị chuyên dùng
+ Mức độ 1: Có đủ thiết bị chuyên dùng, bao gồm tủ, kệ, giá sách, bàn, ghế cho trẻ em; bàn, ghế cho giáo viên; bàn, ghế, tủ cho người làm công tác thư viện; tủ hoặc hộp mục lục, sổ mục lục, bảng giới thiệu sách; hướng dẫn sử dụng thư viện và các thiết bị khác.
+ Mức độ 2: Đạt tiêu chuẩn của Mức độ 1 và các quy định sau: Có máy tính kết nối internet, máy in, phương tiện nghe nhìn bảo đảm các hoạt động thư viện tại phòng đọc cho trẻ em, phòng đọc cho giáo viên, khu vực mượn trả và quản lý; có phần mềm quản lý thư viện bảo đảm quy định.
- Tiêu chuẩn về hoạt động thư viện
+ Mức độ 1: Hệ thống tra cứu tài nguyên thông tin được thực hiện trực tiếp tại thư viện, bảo đảm tra cứu dễ dàng, thuận tiện đồng thời có thể truy xuất được dữ liệu liên quan; các hoạt động khuyến đọc, hình thành và phát triển thói quen đọc, bao gồm: Làm quen với sách tại thư viện; mượn sách về nhà; kể chuyện hoặc chương trình ngoại khóa; tổ chức hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm.
+ Mức độ 2: Đạt tiêu chuẩn của Mức độ 1 và các quy định sau: Hoạt động làm quen với sách tại thư viện bảo đảm tối thiểu 01 hoạt động/tháng; bảo đảm tỷ lệ 100% giáo viên và tối thiểu 80% trẻ em toàn trường đọc sách tại thư viện và mượn sách về nhà hằng năm.
- Tiêu chuẩn về quản lý thư viện
+ Mức độ 1: Có hệ thống hồ sơ, sổ sách, nội quy thư viện bảo đảm quản lý về tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng và hoạt động thư viện; phát triển tài nguyên thông tin được thực hiện với các hình thức đặt mua trên thị trường (bao gồm cả mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số); tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước tài trợ và trao tặng; các nguồn truy cập mở và liên thông thư viện.
+ Mức độ 2: Đạt tiêu tại Mức độ 1 và quy định sau: Kinh phí chi hoạt động hằng năm của thư viện bảo đảm tối thiểu tổng ngân sách chi thường xuyên hằng năm của nhà trường./.