Hoạt động trải nghiệm với sách của các bé mẫu giáo 4 tuổi tại điểm trường Ngài Thầu, Trường MN Nà Bủng, huyện Nậm Pồ Những điều cần biết về giáo dục hòa nhập ở cơ sở GDMN
Trẻ khuyết tật trong môi trường hoà nhập sẽ đạt được những kết quả tích cực cả về sự phát triển và thái độ của trẻ.
Không có bằng chứng nào cho thấy trẻ khuyết tật khó tham gia vào các chương trình hoà nhập.
Trong lớp học hòa nhập, mọi trẻ em được hưởng lợi nhờ có cơ hội học tập với những trẻ khác, cùng lớn lên và học cách quan tâm lẫn nhau, lĩnh hội các kĩ năng, thái độ, cũng như những giá trị cần thiết khác.
Học tập trong môi trường có trẻ khuyết tật cũng giúp trẻ em trở nên nhạy cảm, thấu hiểu, tôn trọng và thoải mái hơn đối với những khác biệt và tương đồng giữa bạn bè của các em.
Những kết quả xã hội tích cực trong môi trường hoà nhập chỉ có khi giao tiếp xã hội diễn ra thường xuyên, được lập kế hoạch và được giáo viên thực hiện một cách cẩn thận.
Không có sự can thiệp cá biệt hoá trong môi trường hoà nhập thì trẻ khuyết tật sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển. Trẻ cần được hỗ trợ thông qua các hoạt động ở lớp hòa nhập và hoạt động hỗ trợ/can thiệp cá nhân. Phải thoả mãn hai điều kiện này trong các lớp học hoà nhập thì mới đạt được kết quả tốt nhất.
Đặc điểm lớp hòa nhập
Nhiều đối tượng trẻ em cùng học trong lớp bao gồm trẻ khuyết tật và không khuyết tật. Do vậy, có sự đa dạng về nhu cầu và khả năng của các trẻ em trong lớp. Trẻ khuyết tật có thể có một số nhu cầu đặc biệt cần được đáp ứng. Độ tuổi của trẻ trong lớp không đồng đều, bên cạnh trẻ không khuyết tật đúng độ tuổi thì có thể có trẻ khuyết tật lớn tuổi hơn vẫn được học trong lớp hòa nhập. Trong lớp hòa nhập các đặc điểm của từng cá nhân trẻ em được coi là sự đa dạng tất yếu và luôn đánh giá cao điểm mạnh của từng trẻ.
Lớp học hòa nhập cũng có sự đa dạng về các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ trẻ. Để hỗ trợ cho trẻ khuyết tật trong lớp hòa nhập ngoài hoạt động chung cho cả lớp còn có hoạt động hỗ trợ cá nhân cho trẻ khuyết tật.
Các hoạt động trong lớp hòa nhập cần được tổ chức một cách sáng tạo, trợ giúp và hợp tác để giúp tất cả trẻ em đều có thể tham gia tích cực vào các hoạt động và cùng giúp đỡ lẫn nhau.
Về giáo viên trong lớp hòa nhập có sự tham gia của cả giáo viên mầm non và giáo viên hỗ trợ. Vai trò của giáo viên trong lớp hoà nhập là vô cùng quan trọng vừa đóng vai trò là người giáo viên mầm non vừa là nhà giáo dục đặc biệt. Để hoàn thành vai trò đa dạng đó đòi hỏi giáo viên cần có những kỹ năng của cả nhà giáo dục mầm non và một nhà sư phạm đặc biệt. Tuy nhiên những kỹ năng cần thiết ở cả hai lĩnh vực này lại giống nhau về cơ bản vì đó là những kỹ năng làm việc với trẻ em, và cũng có những lĩnh vực nhất định ở đó đòi hỏi có chuyên sâu về chuyên môn.
Giáo viên mầm non cần có kỹ năng hợp tác trong công việc với các đồng nghiệp và làm việc hiệu quả như một thành viên trong nhóm với nhiều chuyên gia cũng như có kỹ năng nhận ra giới hạn của bản thân và tìm kiếm sự trợ giúp khi thích hợp.
Lớp hòa nhập cần được bố trí không gian, sắp xếp phòng học, trang thiết bị, đồ dùng trong lớp, các phương tiện hỗ trợ phù hợp nhằm tạo môi trường học tập thuận lợi cho tất cả trẻ em.
Do có sự đa dạng về đối tượng trẻ em nên trong lớp hòa nhập có cả cha mẹ của trẻ khuyết tật và cha mẹ trẻ không khuyết tật.
Sự đa dạng về trẻ em, giáo viên, cha mẹ của trẻ đặt ra những tình huống sư phạm mới mà giáo viên , cán bộ quản lý trường mầm non hòa nhập cần tìm hiểu, trau dồi và thực hành trong thực tiễn để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả trẻ em.
Quản lý lớp học hoà nhập trong cơ sở giáo dục mầm non
Việc tổ chức và quản lý tốt các lớp học hòa nhập trẻ khuyết tật là rất quan trọng vì đó là những điều kiện tiên quyết đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục.
Tổ chức và quản lý lớp học có thể được định nghĩa là tất cả các hoạt động do giáo viên chỉ đạo nhằm nâng cao tính hiệu quả cho lớp học, từ đó dẫn đến việc hình thành các điều kiện tối ưu cho hoạt động học tập và trật tự trong lớp.
Nói một cách đơn giản, tổ chức và quản lý lớp học là kiểm soát và sắp xếp môi trường lớp học một cách hệ thống nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động dạy và học.
- Mục tiêu của việc quản lí lớp học là:
Tạo môi trường học tập tốt nhất. Do đó đòi hỏi giáo viên phải tự tìm cách quản lí lớp học như thế nào để hỗ trợ cho việc học của trẻ. Mục tiêu quản lí lớp học phải bao gồm mục tiêu học tập.
Phát triển khả năng tự quản và trách nhiệm của trẻ trong lớp. Hệ thống quản lí hiệu quả giúp trẻ trưởng thành trong khả năng quản lí việc học và tự điều khiển hành vi của bản thân.
Tăng sự tham gia của trẻ, giảm hành vi quấy rối, tăng thời gian làm theo hướng dẫn hoặc tự làm việc theo nội qui của lớp học.
Cải thiện động cơ hoạt động của trẻ trong lớp.
- Yêu cầu đối với quản lý lớp học hòa nhập
Một số yêu cầu quan trọng để quản lý lớp học tốt là:
-
- Lập kế hoạch là chìa khoá để dự kiến được các vấn đề về quản lí.
- Hiểu về trẻ em và đồng nghiệp trong lớp: Từng trẻ em và đồng nghiệp sẽ có những nét tính cách riêng biệt, yêu cầu cần phải có cách tiếp cận và giải quyết khác nhau. Hiểu được từng cá nhân suy nghĩ thế nào sẽ là điều kiện để giáo viên gần gũi với trẻ em và đồng nghiệp.
- Có sự phối hợp chặt chẽ với cha mẹ của trẻ
- Kiên trì thực hiện các hoạt động để kiến tạo một chương trình quản lý lớp học hiệu quả.
Hoạt động tạo hình của các bé mẫu giáo 3 tuổi Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động giáo dục trong lớp hòa nhập
Việc tổ chức hoạt động giáo dục trong lớp hòa nhập chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, song các yếu tố cơ bản bao gồm:
- Môi trường lớp học:
Môi trường là người thầy thứ 2 của trẻ em trong lớp học. Cả môi trường vật chất và tinh thần đều ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động gáo dục.
Bầu không khí tâm lý lành mạnh rất quan trọng đối với hiêụ quả học tập, hành vi và thái độ của trẻ của như tinh thần, thái độ của giáo viên. Cần tạo môi trường thoải mái và thân thiện với cả trẻ và cô để có hiệu quả tốt nhất cho các hoạt động giáo dục.
Bầu không khí tâm lý trong lớp học và sắp xếp môi trường vật chất có thể làm gia tăng hành vi không mong muốn đặc biệt đối với trẻ khuyết tật. Nhưng ngược lại cũng có thể khuyến khích những hành vi mong muốn của trẻ.
- Nội quy/quy trình lớp học
Nội quy của lớp học là những quy định một cách khái quát những gì người lớn mong đợi ở trẻ.
Các nội quy cũng có tác dụng tạo nên môi trường học tập tích cực.
Các quy trình của lớp học là cách thực hiện một số hoạt động hoặc xử lí một số tình huống nhất định.
Nhờ có nội quy, quy trình và nguyên tắc của lớp học mà tất cả mọi người đều biết mình phải làm gì và không được làm gì. Những điều này tạo nên sự ổn định, nề nếp của lớp học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của tất cả trẻ trong lớp.
Điều quan trọng là các nội quy, quy trình cần được xác định từ khi bắt đầu năm học và có kế hoạch để hướng dẫn cho trẻ thực hiện trong những ngày đầu tiên đến lớp. Khi trẻ học được các nội qui, hiểu và tuân theo qui trình hoạt động thì sẽ dễ dàng hơn khi tham gia vào các hoạt động và được tự do hơn, ít phụ thuộc vào người lớn/ giáo viên. Nếu được chú ý và nhắc lại nhiều lần, các nội qui, quy trình sẽ trở thành một phần trong sự hiểu biết của trẻ về lớp học của mình.
- Hành vi của trẻ trong lớp
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc tổ chức các hoạt động giáo dục chính là vấn đề hành vi của trẻ. Giáo viên không thể tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả khi lớp học lộn xộn, rối loạn. Một số giáo viên cảm thấy rằng yếu tố quan trọng nhất trong việc quản lý lớp học là quản lý các hành vi gây rối ảnh hưởng đến môi trường học tập của trẻ theo bất kì một cách nào.
Khi tổ chức các hoạt động giáo dục, giáo viên nên xác định liệu những hành vi không mong muốn của trẻ là kết quả của việc trẻ thiếu khả năng hiểu các nội dung, chỉ dẫn hay là hệ quả của vấn đề khuyết tật của trẻ hay là do các yếu tố khác.
Khi không có sự kết hợp hài hoà giữa cách tổ chức hoạt động của giáo viên với cách học của trẻ, những hành vi không mong muốn có thể xảy ra. Đây là biểu hiện của việc trẻ không muốn học các khái niệm/nội dung mà trẻ không có khả năng hiểu được mối quan hệ giữa chúng với cuộc sống thực tế của trẻ. Do vậy, để giúp trẻ học tốt trong các hoạt động, giáo viên cần dùng đến các biện pháp giúp trẻ hiểu và sử dụng được các kiến thức, kĩ năng trong hoàn cảnh có ý nghĩa.
Nếu những hành vi không phù hợp của trẻ có liên quan đến việc trẻ thiếu các kĩ năng nền tảng để học khái niệm, kỹ năng mới, giáo viên có thể sử dụng một quy trình đơn giản là chia kỹ năng trẻ cần học thành từng bước nhỏ và trẻ học dần từng bước đó (phân tích nhiệm vụ). Bằng việc sử dụng quy trình này, giáo viên sẽ giúp trẻ khuyết tật đạt được mục tiêu học tập phù hợp với trình độ của mình.
Một số hành vi có vấn đề là hệ quả của khuyết tật (ví dụ, rối loạn hành vi/ cảm xúc hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỉ...).
- Phương pháp tổ chức hoạt động của giáo viên
Phương pháp hướng dẫn, tổ chức hoạt động của giáo iên đóng vai trò quyết định đối với hiệu quả của các hoạt động học tập của trẻ. Đồng thời phương pháp hướng dẫn, tổ chức hoạt động của giáo viên cũng có ảnh hưởng rất lớn tới hành vi của trẻ và nề nếp của lớp.
Việc tổ chức các hoạt động giúp cho tất cả trẻ trong lớp được tham gia theo khả năng, các trẻ hợp tác với nhau, giúp đỡ nhau trong quá trình hoạt động sẽ tạo động lực học tập của trẻ khuyết tật và những trẻ em khác. Bên cạnh đó, giáo viên cần biết cách sử dụng phối hợp các phương pháp tổ chức hoạt động đáp ứng nhu cầu cá nhân của mỗi trẻ trong lớp và làm cho lớp học trở thành môi trường sống động, thú vị và thân thiện. (còn tiếp)