Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116, học sinh Trường PTDTBT THCS Huổi Lèng có điều kiện ăn, ở tốt hơn. Trong ảnh: Bữa ăn bán trú của học sinh Trường PTDTBT THCS Huổi Lèng.
Với hơn 99% học sinh là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Hoa), những năm trước đây việc huy động học sinh ra lớp của Trường PTDTBT THCS Huổi Lèng gặp nhiều khó khăn (chỉ đạt khoảng 80%). Nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nên các em phải ở nhà giúp bố mẹ trông em, làm việc nhà, lên nương; một số học sinh do địa bàn cách trở, đi lại khó khăn nên cũng nghỉ học. Từ khi được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ chi phí học tập, chế độ về giáo dục đối với học sinh khuyết tật, các em đã yên tâm học tập, việc huy động học sinh ra lớp cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Thầy Hoàng Huy Bình, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Huổi Lèng chia sẻ: Năm học 2018 - 2019, nhà trường có 174 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, gạo theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 870 triệu đồng và hơn 23 tấn gạo. Từ số gạo và tiền hỗ trợ trên, trường đã tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày cho học sinh bán trú với chế độ dinh dưỡng đảm bảo có đủ thịt, cá, trứng, rau... Mặt khác, trường có 193 học sinh được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NÐ-CP và 8 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ cho học sinh khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính. Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên, những năm gần đây, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp của trường luôn đạt trên 98%, tỷ lệ chuyên cần đạt 96%, kết quả giáo dục của trường có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là trong 2 năm qua với nhiều học sinh đoạt giải và đạt thành tích cao trong học tập.
Trao đổi với chúng tôi về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Mường Chà cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 45 trường thuộc 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và THCS. Với trên 93% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa số học sinh các trường đều được hưởng các chính sách hỗ trợ tiền ăn, gạo, nhà ở theo Nghị định 116; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí theo Nghị định 86; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo theo Nghị định số 06/2018/NÐ-CP; chính sách hỗ trợ cho học sinh khuyết tật. Năm học 2018 - 2019, toàn huyện có hơn 4.500 học sinh được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng và hơn 600 tấn gạo; hơn 590 học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở theo Nghị định 116. Cùng với đó, hơn 10.000 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/học sinh/tháng; hơn 4.000 trẻ mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 100 học sinh khuyết tật với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Quan tâm chỉ đạo các trường thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp của huyện Mường Chà đã tăng cao trong những năm qua. Ðầu năm học 2019 - 2020, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt trên 99%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ 6 - 10 tuổi học tiểu học đạt 99,8% và trẻ 11 - 14 tuổi học THCS đạt 97%. Ðáng chú ý, tình trạng học sinh bỏ học không còn diễn ra phổ biến, tỷ lệ chuyên cần của học sinh đạt cao. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của huyện có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành các nội dung học tập tăng lên từng năm... Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh, Phòng GD&ÐT huyện Mường Chà sẽ chỉ đạo các trường tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh hoàn thiện hồ sơ để được hưởng các chính sách hỗ trợ, giúp con em mình có điều kiện ăn, ở, học tập tốt hơn.