Tham gia đoàn công tác có Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Hoàng Thị Dinh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo Phạm Tuấn Anh, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã - Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Sơn – Chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo văn xã - Văn phòng Chính phủ và các đồng chí chuyên viên Vụ GDMN: Vũ Thị Huyền Trang, Cao Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Minh Thảo.Làm việc với đoàn về phía Sở GDĐT Điện Biên có Phó Giám đốc Lò Thị Thời; đại diện lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Văn phòng Sở và lãnh đạo, chuyên viên Phòng giáo dục Mầm non - Tiểu học. Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Sở GDĐT Điện Biên
Báo cáo kết quả phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2015-2021 tỉnh Điện Biên, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lò Thị Thời cho biết: Các trường mầm non được phân bố rộng khắp các xã trong tỉnh bao gồm 169 điểm trường chính và 856 điểm trường lẻ, đảm bảo mỗi xã có ít nhất có một trường mầm non.
Tính đến tháng 5/2021, tỉnh có 166 trường mầm non công lập và 03 trường mầm non tư thục; 12 nhóm, lớp độc lập tư thục hầu hết tập trung tại thành phố Điện Biên Phủ. Tổng số trẻ em học tại các trường công lập là: 60.746 trẻ, chiếm 99,3%. Tổng số trẻ em học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập là 453 trẻ, chiếm 0,7%. Tổng số điểm trường lẻ của cấp Mầm non: 856 điểm trường. Trường có nhiều điểm trường lẻ nhất là trường Mầm non Mường Toong, huyện Mường Nhé (18 điểm trường lẻ). Tỉnh Điện Biên có tỷ lệ các lớp mẫu giáo ghép khá cao. Tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép: 898/1.824 lớp, tỷ lệ 49,2% và các lớp ghép thường là ở các điểm trường lẻ.
Tổng số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 115 trường, đạt 68% (vượt 18% so với mục tiêu Đề án đến năm 2025). Tổng số trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2 và mức độ 3 là: 110 trường, đạt 65,1% (vượt 5,1% so với mục tiêu Đề án đến năm 2025).
Công tác huy động trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non: Trong giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ huy động trẻ ra học tại các cơ sở GDMN tăng nhanh, đặc biệt đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ. Tính đến tháng 5/2021, quy mô phát triển GDMN của tỉnh đạt được là: Tổng số trường mầm non: 169 trường đang hoạt động giáo dục (trong đó có 03 trường mầm non ngoài công lập). Tổng số nhóm lớp: 2.487 nhóm, lớp (gồm: 663 nhóm trẻ, 1.824 lớp mẫu giáo). Tổng số trẻ em học trong các cơ sở GDMN: 61.199 trẻ (gồm: 15.601 trẻ nhà trẻ, 45.598 trẻ mẫu giáo). Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp: Nhà trẻ đạt 45,2%, mẫu giáo đạt 99,6%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,9%.
Kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non: 100% các nhóm, lớp được học 2 buổi/ngày (vượt 0,5% so với mục tiêu đến năm 2025 của Đề án). 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN được đảm bảo an toàn cả về thể chất và tinh thần. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 6,3%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 5,5%, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì chiếm 0,1%. Tỷ lệ trẻ mầm non được ăn bán trú tại trường đạt 99,1%. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi được đánh giá hoàn thành chương trình GDMN đạt từ 99,9% đến 100%.
Về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi: Tính đến tháng 5/2021, tổng số phòng học của cấp học Mầm non: 2.487 phòng, trong đó: 1.738 phòng kiên cố, tỷ lệ 69,9%, so với mục tiêu Đề án thiếu 10,1%; 624 phòng bán kiên cố, tỷ lệ 25,1%; 121 phòng tạm, tỷ lệ 4,9%; 04 phòng học nhờ, tỷ lệ 0,1%. Tỷ lệ phòng học/nhóm, lớp: 01 phòng/nhóm, lớp. Tổng số sân chơi có đồ chơi: 1.035/1.035 sân (đạt 100%); 741 bếp nấu ăn cho trẻ em; 1.515 khu/phòng vệ sinh cho trẻ em; 1.029 công trình nước sạch. Tổng số nhóm, lớp đủ thiết bị đồ dùng, đồ chơi tối thiểu: 2.405/2.487 lớp đạt 96,7%.
Tại cuộc làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Cù Thị Thủy đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Giáo dục Điện Biên trong hơn 2 năm qua. Ứng phó dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo ngành giáo dục đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.
Phó Vụ trưởng Cù Thị Thủy đã có những trao đổi cụ thể về định hướng, giải pháp tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non trong thời gian tới; đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.
Theo Kế hoạch, Đoàn công tác sẽ tiến hành Khảo sát xây dựng Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo và Đề án phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030 tại huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên từ ngày 19/4 đến hết ngày 21/4/2022./.