Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, sách để nâng cao kiến thức (ảnh chụp trước tháng 4/2021). Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo xác định việc xây dựng tủ sách pháp luật trong trường học giúp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh để từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật đã được phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường thực hiện hiệu quả; trong đó chú trọng tới việc triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Các trường học đều phân công cán bộ, viên chức có kỹ năng quản lý, kiến thức về pháp luật phụ trách tủ sách pháp luật; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, sổ đăng ký theo dõi mượn, trả sách... theo hướng dẫn. Hàng năm, các trường học đều bổ sung các đầu sách mới nhằm cập nhật kịp thời các nội dung, văn bản quy định pháp luật mới có hiệu lực… Đến nay tủ sách pháp luật tại 64 đơn vị trường học trên địa bàn huyện có 4.612 cuốn, bao gồm đầy đủ 3 nhóm sách, báo, tài liệu pháp luật. Trong đó nhóm sách, tài liệu pháp luật phục vụ cho công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy và học tập rất đa dạng; nhóm văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương liên quan trực tiếp đến công chức, giáo viên, nhân viên và hoạt động của đơn vị, chính quyền địa phương được cập nhật kịp thời, đầy đủ… Sách, tài liệu về pháp luật được bảo quản tốt theo quy định về quản lý thư viện. Các tủ sách này được sắp xếp, bố trí tại phòng đọc thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng, phục vụ đọc sách tại chỗ. Các nhà trường cũng thường xuyên rà soát, phân loại sách, tài liệu bảo đảm khoa học, thuận tiện cho tra cứu.
Nhờ khai thác và sử dụng hiệu quả các sách, tài liệu pháp luật đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh có thêm kiến thức, nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, giáo viên có thêm tư liệu để giảng dạy và hướng dẫn học sinh, làm phong phú thêm nội dung trong mỗi tiết học, đặc biệt là bộ môn Giáo dục công dân, kỹ năng sống, các hoạt động ngoài giờ lên lớp... góp phần tăng cường giáo dục kỹ năng tự nghiên cứu, kỹ năng tra cứu, kỹ năng đọc; đồng thời hình thành và phát triển thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường.
Tuy nhiên do đặc thù, tính chất công việc nên thời gian xem sách và tìm hiểu tài liệu pháp luật còn hạn chế. Đa số cán bộ giáo viên, nhân viên chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật, chỉ tìm hiểu khi có vướng mắc liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể. Bên cạnh đó do một số đầu sách được cấp phát đã lâu hiện nay không còn phù hợp, một số văn bản đã hết hiệu lực. Nhiều trường học 2 buổi/ngày nên học sinh chưa có nhiều thời gian đọc và mượn sách pháp luật.
Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo thông tin: Qua rà soát, đa số các nhà trường đều đề nghị tiếp tục duy trì khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật hiện có. Bởi tủ sách pháp luật là một trong những “kênh” tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước nên có sự thay đổi trong việc xây dựng, bố trí nên sáp nhập với các thư viện, điểm Bưu điện - văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng để sử dụng có hiệu quả hơn, đối tượng tiếp cận sách, tài liệu pháp luật rộng rãi hơn. Vừa qua phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đề xuất tiếp tục duy trì đối với 53 tủ sách pháp luật; 11 tủ sách pháp luật còn lại nên sáp nhập với Trung tâm học tập cộng đồng ngay trên địa bàn xã đó.