Một tiết học của cô và trò Trường THCS Sông Ðà.
Là trường liên cấp (gồm cấp 1 và cấp 2) nằm trên địa bàn phường Sông Ðà, ngay khi bắt đầu năm học mới, Trường Trung học cơ sở (THCS) Sông Ðà đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Cô Trần Thị Thúy Phượng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Sông Ðà chia sẻ: Năm học 2020 - 2021, Trường có 9 khối lớp nhưng do địa bàn ít dân cư toàn trường chỉ có 169 học sinh, trung bình chưa đến 20 học sinh/lớp. Học sinh ít đã ảnh hưởng đến các hoạt động chung của Trường, nhất là trong việc tuyển chọn nguồn học sinh giỏi, học sinh tham gia các giải thi đấu thể thao, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, văn hóa, văn nghệ... Về nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ giáo dục, toàn trường hiện có 23 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. So với chỉ tiêu biên chế được giao, Trường còn thiếu 2 giáo viên văn hóa khối tiểu học và 3 nhân viên. Mặt khác, theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, quy định trình độ chuẩn đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân. Vì vậy, đến nay nhà trường vẫn còn 4 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định. Ðể khắc phục hạn chế trên, Trường sẽ tạo điều kiện để giáo viên theo học các lớp nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, Trường thiếu giáo viên bộ môn chuyên, như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học, Thể dục của khối tiểu học; môn Sinh học, Tin học, Mỹ thuật của khối THCS.
Ðược quan tâm đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2016 với hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp khang trang, kiên cố, nhưng đến nay Trường Tiểu học Bản Mo (xã Lay Nưa) vẫn chưa có nhà bán trú nên học sinh 2 bản vùng cao Hua Nậm Cản và Hua Huổi Luông phải học tại điểm trường lẻ mà chưa huy động được về điểm trường trung tâm. Hơn nữa, việc học tại các điểm trường cũng khiến học sinh thiệt thòi khi không được hưởng chế độ bán trú trong khi đa số các em là con hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ðặc biệt, tại 2 điểm trường trên chưa có điện lưới quốc gia nên nguồn điện chưa đảm bảo, các thầy cô phải sử dụng máy phát điện để phục vụ việc dạy học. Do khoảng cách đến các điểm trường khá xa (bản Hua Huổi Luông 11km, bản Hua Nậm Cản 7km) nên việc đi lại của giáo viên hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa do đường trơn, trượt rất khó đi. Ngoài ra, Trường còn 14/25 cán bộ quản lý, giáo viên chưa có trình độ đạt chuẩn theo quy định; thiếu giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Âm nhạc.
Năm học 2020 - 2021, thị xã Mường Lay có 12 trường, 117 lớp với tổng số hơn 2.800 học sinh. Trong đó, cấp mầm non có 5 trường, 42 nhóm lớp với 935 trẻ; cấp tiểu học có 3 trường, 51 lớp với 1.136 học sinh và cấp THCS có 4 trường, 24 lớp với 741 học sinh. Chia sẻ về những tồn tại, khó khăn của ngành trong dịp đầu năm học, bà Trần Thị Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) thị xã Mường Lay cho biết: Luật Giáo dục 2019 mới đã có hiệu lực, nên năm học này toàn ngành GD&ÐT thị xã vẫn còn 43 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định (chiếm 18,5%). Bên cạnh đó, mặc dù đã đủ định mức giáo viên theo quy định nhưng lại thiếu giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh do không có nguồn tuyển. Kinh phí cho các trường đầu tư sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu; còn 3 bản vùng cao chưa có điện lưới quốc gia nên gây khó khăn cho việc triển khai dạy học trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ðể khắc phục những khó khăn trên, phòng GD&ÐT thị xã đã tích cực triển khai một số giải pháp: Thực hiện rà soát xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện lộ trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn theo quy định; chủ động tham mưu tuyển dụng bổ sung giáo viên còn thiếu; tăng cường giáo viên bộ môn chuyên cho các trường còn thiếu. Ðồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực, tham mưu đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm đảm bảo đáp ứng đổi mới GD&ÐT, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học./.