1. Quy mô trường, lớp, học sinh tiểu học tiếp tục phát triển
Mạng lưới trường, lớp học phát triển khá đồng bộ; hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có trường tiểu học, các bản lẻ có lớp tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, quy mô học sinh phát triển ổn định. Toàn tỉnh có 176 trường tiểu học, 3.063 lớp với 66.274 học sinh, tăng 765 học sinh, giảm 77 lớp so với năm học trước; tỷ lệ học sinh/lớp đạt 21,6 đứng thứ 5 trong số 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
2. Đội ngũ giáo viên cơ bản ổn định, chuẩn hóa trình độ, năng lực ngày càng được nâng cao
Năm học 2017-2018, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: 5.921 người trong đó: Cán bộ quản lý 480; giáo viên 4.442. Đội ngũ giáo viên toàn ngành ổn định về số lượng, cơ cấu và chất lượng, trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên được chuẩn hóa, năng lực chuyên môn ngày càng được nâng cao (có 97,5 % cán bộ quản lí và 89,2% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn). Đội ngũ giáo viên các môn chuyên cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày và xây dựng trường chuẩn Quốc gia (giáo viên Âm nhạc 149 người, giáo viên Mỹ thuật 154 người, giáo viên Thể dục 215 người, giáo viên Tin học 110 người, Tiếng Anh 173 người).
3. Chất lượng các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia được nâng cao, công tác phổ cập giáo dục tiểu học được chú trọng
Tính đến tháng 12 năm 2017, tỉnh Điện Biên đã có 107/176 trường tiểu học thuộc 10 huyện, thị, thành phố được công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (tỉ lệ 60,8%), trong đó có 86 trường đạt chuẩn mức độ 1; 21 trường đạt chuẩn mức độ 2. Có 5/10 đơn vị có tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia đạt từ 60% trở lên: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên 35/37 trường (94,6%); thành phố Điện Biên Phủ 8/9 trường (88,9%); Tuần Giáo 21/28 trường (75%); Mường Ảng 9/13 trường (69,2%); Thị xã Mường Lay 3/5 trường (60%).
Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông đón chuẩn Quốc gia mức độ 2
Năm 2017 toàn tỉnh có 3 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên) 89 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt 68%. 7 đơn vị cấp huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt 70%.
Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp: huy động học sinh 6 tuổi học lớp 1 đạt 99,7% (13.898 học sinh); huy động học sinh 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,3% (65.673 học sinh). Đạt kế hoạch UBND tỉnh giao.
4. Thực hiện tốt các chương trình giáo dục
Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc tăng cường hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn phù hợp với thực tế và điều kiện dạy học của địa phương; quan tâm làm đồ dùng dạy học để đạt được mục tiêu dạy học phù hợp với lứa tuổi đáp ứng chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Chỉ đạo dạy Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục tại các trường tiểu học theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 01/7/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục năm học 2017-2018 tại 163 trường, 492 lớp 9.660/14.129 học sinh (68,4 %), tăng 8,8% so với năm học 2017-2018.
Số trường thực hiện dạy tiếng Anh bắt buộc 4 tiết/tuần: 118 trường với 711 lớp 18.277/38.515 học sinh khối 3,4,5 (đạt 47,0%), tăng 21 trường, 164 lớp với 6.175 học sinh so với năm học 2016-2017. Học sinh học tiếng Anh 2 tiết/tuần 421 lớp 9.961/38.515 học sinh khối 3,4,5 (25,8%). Nhằm nâng cao chất lượng dạy học, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đối với bộ môn Tiếng Anh.
Học sinh khối 3,4,5 học Tin học đạt 911 lớp 24.140 học sinh, tăng 7,4% so với năm học 2016-2017.
5. Xây dựng trường PTDTBT tiểu học, duy trì học 2 buổi/ngày, tổ chức tốt đời sống bán trú cho học sinh
Mô hình trường PTDTBT Tiểu học không ngừng mở rộng. Từ năm học 2012-2013 cấp tiểu học tỉnh Điện Biên mới có 26 trường, 524 lớp, 8.747 học sinh, đến năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 71 trường PTDTBT, tăng 45 trường so với năm học 2012-2013.
Huy động học sinh học 2 buổi/ngày đạt 95,4% tại 176 trường, 2.895 lớp với 63.163 học sinh. Học sinh trường PTDTBT cấp tiểu học ở nội trú cả tuần tại trường là 16.742 em (25,2%). Học sinh học 2 buổi/ngày ăn trưa tại trường là 5.425/66.274 (8,1% ). Chỉ đạo các trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh quan tâm và sát sao trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn cho học sinh. Thường xuyên kết hợp với y tế, Ban đại diện cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học.
Huy động học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm bản về trường trung tâm xã học đạt 88,1% (33.975/38.583), so với năm học 2016-2017 tăng 10,4%. Trong đó học sinh lớp 3 đang học tại các điểm bản còn 16,7%; học sinh lớp 4 còn 11,4 %; học sinh lớp 5 còn 7,6%, giảm 46 điểm trường lẻ.
6. Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho lưu học sinh Lào
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; ban hành công văn số: 167/SGDĐT-GDMN ngày 17/02/2017 hướng dẫn thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số năm 2017. Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tập huấn nội dung “Dạy học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai" cho hơn 300 cán bộ quản lý, giáo viên thuộc 150 trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số.
Để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt, Sở đã ban hành công văn số 2101/SGDĐT-GDTH về việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đối với phân môn Tập làm văn và công văn số 2677/SGDĐT-GDTH về thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt đối với lưu học sinh Lào tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.
7. Thực hiện Mô hình VNEN và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực
Năm học 2017-2018 tỉnh Điện Biên tiếp tục duy trì Mô hình trường học mới Việt Nam tại 159 trường đủ điều kiện với 1.778 lớp, 41.689/51.114 học sinh lớp 2,3,4,5 chiếm 80,0%. Để nâng cao chất lượng dạy học, Sở tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học theo Mô hình trường học mới; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo phương pháp quan sát lớp học và sử dụng trường học kết nối; thành lập đoàn giáo viên cốt cán hỗ trợ dạy học theo Mô hình trường học mới cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa; tiến hành khảo sát, tư vấn dạy học theo Mô hình trường học mới tại các trường tiểu học thuộc các huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên Phủ; thực hiện dạy học phân loại phù hợp với đối tượng học sinh, thay đổi nhóm trình độ học sinh theo các môn học, phát huy hiệu quả và những ưu điểm của phương pháp tổ chức lớp học và tổ chức cho học sinh tương tác giữa các nhóm trong quá trình thực hiện hoạt động cơ bản, thực hành củng cố khắc sâu kiến thức bài học. Nhiều giáo viên vận dụng phương pháp dạy học linh hoạt, chủ động điều chỉnh tài liệu, điều chỉnh các hoạt động học cho phù hợp tình hình học tập của học sinh, soạn bổ sung nội dung kiến thức và giao bài phù hợp với lực học của học sinh. Quan tâm giúp đỡ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của từng cá nhân, kịp thời động viên, khích lệ, tạo hứng thú để học sinh vượt khó khăn trong học tập, giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân.
Giáo viên dạy trải nghiệm mô hình VNEN tại huyện Điện Biên Đông
Triển khai “Phương pháp bàn tay nặn bột”: Giáo viên đã vận dụng linh hoạt áp dụng một phần hoặc toàn phần “Phương pháp bàn tay nặn bột” vào một số tiết học môn Tự nhiên xã hội, Khoa học.
Triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch: Chỉ đạo triển khai dạy học Mĩ thuật theo chủ đề phù hợp với điều kiện thực tế. Trong năm học, Sở đã chỉ đạo các trường sắp xếp thời khóa biểu các tiết học Mĩ thuật hợp lí, đồng thời khuyến khích giáo viên dạy Mĩ thuật thiết kế nội dung học tập bằng cách sắp xếp lại từ các bài học riêng lẻ trong sách giáo khoa hiện nay thành từng bài học theo chủ đề dựa trên cốt truyện, mỗi chủ đề có sự liên kết giữa nội dung học tập với thực tế cuộc sống, tạo sự chủ động và hứng thú học tập cho học sinh.
8. Đổi mới công tác dạy học và kiểm tra đánh giá chuẩn bị đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch dạy học. Căn cứ chất lượng học sinh của lớp, giáo viên soạn bổ sung nội dung kiến thức, giao bài, điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh hoàn thành nội dung bài học, đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình đề ra. Xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm, nội dung giáo dục thiết thực, hiệu quả gắn với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Công tác phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng và bồi dưỡng học sinh năng khiếu được quan tâm thường xuyên. Các trường thực hiện bàn giao chất lượng học sinh cuối năm học theo quy định hiện hành.
Thường xuyên duy trì sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường và cấp huyện đạt hiệu quả khá cao. Các buổi sinh hoạt chuyên môn tập trung chủ yếu vào các nội dung Bộ và Sở mới triển khai trong năm học, tổ chức được sinh hoạt chuyên môn trên trường học kết nối; thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình tổ chức chuyên đề từ cấp tổ trở lên.
9. Thực hiệu hiệu quả Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020
Thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh phổ thông giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, Năm học 2017-2018 Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo dạy tiếng Thái tại 129 lớp 2.934 học sinh, dạy tiếng Mông tại 159 lớp 3.928 học sinh, vượt kế hoạch giao 862 học sinh.
Học sinh học trường Tiểu học số 2 Nà Nhạn trong giờ học tiếng Thái Thực hiện biên soạn 105 bài giảng e-Learning tiếng Thái, 105 bài e-Leaning tiếng Mông cấp Tiểu học để đăng tải trên Website của Ngành để mọi người có thể tự học, góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
10. Công tác truyền thông về giáo dục tiểu học
Công tác truyền thông về giáo dục tiểu trong năm học 2017-2018 được đặc biệt chú trọng; Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 908/SGDĐT-GDTH ngày 15/05/2017 hướng dẫn các đơn vị tăng cường công tác truyền thông trong năm học; các đơn vị đã phân công cán bộ, giáo viên nghiên cứu viết bài truyền thông về giáo dục và đào tạo, định kì mỗi tháng gửi ít nhất 01 bài để đăng trên Website của Sở. Ngoài các nội dung truyền thông theo định kì, các phòng Giáo dục và Đào tạo phân công cán bộ viết thêm các tin, bài có tính thời sự thuộc lĩnh vực phòng quản lý để đăng tải trên Website của phòng, trường. Một số phòng Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt công tác truyền thông, thường xuyên có các chuyên đề định kỳ đăng trên Website của Phòng, Sở như thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Nậm Pồ. Điện Biên là một trong những đơn vị có nhiều bài truyền thông về Mô hình VNEN trên Website của Ngành và trang thông tin của Bộ.
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2017, hi vọng giáo dục tiểu học Điện Biên sẽ ngày càng phát triển vững bước hơn nữa trong những năm tiếp theo.