Tham dự tập huấn có Bà Lý Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non; Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục và trên 250 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên các Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, giáo viên của 30 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Bà Lý Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại buổi tập huấn
Hiện nay, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) đã trở thành một chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tính chiến lược của ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa. Từ thực tiễn xây dựng trường đạt CQG cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, hợp ý Đảng, lòng dân, được xã hội đón nhận và đã đi vào cuộc sống, tạo diện mạo mới, vị thế mới, sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong các nhà trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người học. Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 8/2018, cả nước có số trường tiểu học đã được công nhận đạt CQG là 9.125 trường (60,6%), 804 trường THPT (31%), 4974 trường THCS (48,1%) và 5.335 cơ sở giáo dục mầm non (35,4%).
Về công tác Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) theo Điều 17, Luật giáo dục (2005) quy định: “KĐCLGD được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả KĐCLGD được công bố công khai để xã hội biết và giám sát”. Trong những năm qua, đặc biệt là trong 4 năm gần đây, công tác KĐCLGD tiếp tục được đổi mới, các giải pháp phát huy hiệu quả, đạt kết quả rất quan trọng, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục các nhà trường. Đến ngày 31/5/2018, cả nước có số trường hoàn thành tự đánh giá là 42.678 (96,5%), số trường được đánh giá ngoài là 19.175 (43,4%), trong đó có 7.059 cơ sở giáo dục mầm non (đạt 46,8%).
Thông qua công tác KĐCLGD, kết quả quan trọng nhất là các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường được tiếp cận với mô hình quản lý hiện đại, tiên tiến. Qua công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài nhiều nhà trường đã thấy được hiện trạng chất lượng, điểm mạnh, điểm yếu và đã xây dựng Kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực và hiệu quả hơn. Kiểm định chất lượng giáo dục từng bước làm thay đổi cách nhìn nhận về công tác quản lý và chỉ đạo, tăng cường năng lực quản lý nhà trường và quản lý dạy, học. Trong các nhà trường được công nhận đạt CQG và đạt KĐCLGD, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh từng bước hình thành văn hóa chất lượng, có trách nhiệm xây dựng nhà trường ngày một tốt hơn.
Đại biểu tham dự tập huấn Tại lớp tập huấn các đại biểu được tiếp thu các nội dung: Một số vấn đề về quản lý chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; tập huấn công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài trường mầm non; tìm hiểu và góp ý Dự thảo hướng dẫn xác định nội hàm, gợi ý tìm minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non; Phương pháp nghiên cứu định tính và các kĩ thuật sử dụng trong đánh giá (kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia); những vấn đề cần lưu ý về xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng.
Sau tập huấn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn xác định nội hàm, gợi ý tìm minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá ngoài trường mầm non. Các nội dung tiếp thu được qua đợt tập huấn sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn cho các đơn vị trong tháng 01 năm 2019./.