Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, một số học sinh tỉnh ta mắc kẹt đã di chuyển về. Sở chỉ đạo thông báo tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh trong các cơ quan, đơn vị từ ngoài tỉnh trở về địa phương, trước khi trở lại trường phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, cách ly, thực hiện 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế, chính quyền địa phương. Đối với các em học nhờ được gần nơi mình ở, các trường, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn phụ huynh và học sinh xin xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của học sinh từ cơ sở giáo dục đã tiếp nhận. Hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan để học sinh trở về trường cũ học tập. Khi học sinh đi học lại, đối với cả em đã học nhờ hay chưa, Sở chỉ đạo các đơn vị trường tiến hành kiểm tra kiến thức các em đã học đến đâu, để triển khai dạy phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức. Năm học 2021 - 2022 mới bắt đầu 1 tháng, nên lượng kiến thức bổ sung không nhiều, thời gian ngắn có thể bù được.
Ngày 25/9, anh Nguyễn Thanh Lâm, thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông về quê (Chương Mỹ, Hà Nội) đón 2 con lên Điện Biên. Anh cho các con về quê chơi từ cuối tháng 6. Sau đó dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, gia đình anh không đón con lên được. Vào năm học mới, 2 cháu phải đăng ký học tạm gần nhà và được tạo điều kiện nhập học, phân lớp. Tuy nhiên do tình hình dịch phức tạp nên các trường tại Chương Mỹ chỉ học theo hình thức trực tuyến. Để đảm bảo việc học cho con và đưa con về gần bố mẹ chăm sóc, sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, anh về quê đón con và chấp nhận thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày. Anh Lâm chia sẻ: “Về đến Điện Biên, trong những ngày cách ly, 2 cháu vẫn học online cùng trường dưới kia. Đến khi hết cách ly, đi học trở lại tại trường cũ thì gia đình tôi mới thông tin cho trường tại Chương Mỹ để xin nghỉ và xác nhận học thời gian qua. Con tôi Nguyễn Tiến Lộc, học lớp 4 trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông, Nguyễn Phương Linh vào lớp 9 Trường THCS thị trấn. Qua trao đổi với cô giáo chủ nhiệm được biết, chương trình học của các cháu đang bị chậm hơn trên này một vài bài. Cô đã hướng dẫn, giao nội dung học và gia đình kèm cặp các cháu để nắm bắt được kiến thức, theo kịp các bạn khi quay lại trường”.
Việc này xảy ra ở hầu hết địa bàn trong toàn tỉnh. Huyện Tuần Giáo cũng có 20 học sinh đang học nhờ tại các tỉnh dưới xuôi và hơn 20 em mắc kẹt tại các tỉnh vùng dịch nhưng không đăng ký học nhờ được, hoặc không có điều kiện học trực tuyến. Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Phòng chỉ đạo các trường chủ động liên hệ với phụ huynh và học sinh, lấy số điện thoại kết nối zalo, facebook để tạm thời giao bài, nội dung học cho các em. Giáo viên thường xuyên trao đổi, theo sát, cập nhật tình hình của từng em, để khi các em trở về địa phương, hoàn thành cách ly trở lại trường học thì triển khai dạy phụ đạo, đảm bảo nội dung khối lượng kiến thức. Hiện huyện vẫn còn hơn 10 học sinh thuộc diện không đăng ký học nhờ vẫn chưa trở về. Nhà trường và giáo viên bằng mọi cách phải giữ liên lạc với học sinh để các em không bị ngắt quãng việc học, dẫn đến nguy cơ bỏ học”.
Bước vào năm học mới, hàng trăm học sinh các cấp tỉnh ta kẹt lại các tỉnh vùng dịch hoặc tỉnh xa không có phương tiện di chuyển về. Đến hiện tại, dịch bệnh được kiểm soát, nhiều em được bố mẹ đón lên, hoặc thuê xe, ghép xe trở về. Với sự quan tâm, sát sao của ngành Giáo dục, của nhà trường và thầy, cô, mong rằng các em sẽ sớm trở lại trường, bắt nhịp với chương trình học, tiếp tục theo đuổi con chữ.