Theo đó, mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay là 3,3%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn. Vốn vay được dùng để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.
Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được hỗ trợ vay vốn phải đáp ứng các điều kiện như được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 ít nhất 1 tháng tính đến thời điểm vay vốn; Có Phương án vay vốn để phục hồi, duy trì hoạt động và được Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định. Tại thời điểm đề nghị vay vốn, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước thời điểm ngày 23/1/2020.
|
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Rainbow, Thành phố Điện Biên Phủ |
Theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg, trên cả nước sẽ có trên 3.200 trường mầm non, tiểu học và trên 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập (tỉnh Điện Biên có 4 trường mầm non, tiểu học và 12 cơ sở giáo dục độc lập) trong diện được hưởng thụ chính sách. Đây là chính sách thiết thực đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Không chỉ giải quyết một phần khó khăn tài chính của các chủ trường, chính sách còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước với khối mầm non tư thục./.