Các sinh viên trình bày việc Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội đã giả danh trường ĐH lừa đảo chiêu sinh - Ảnh: Văn Đông
Bỗng nhiên trúng tuyển
Đỗ Thị Tuyết, Hoàng Thị Khánh Vân, Đào Văn Hà, Nguyễn Thế Trân, Nguyễn Quang Thái, đại diện cho sinh viên (SV) lớp K11 BK2 (học tại 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết ngày 22.8.2014 đột ngột nhận được phiếu báo nhập học của Trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh dù họ không gửi hồ sơ xét tuyển vào trường này. Ngày 6.9, khoảng 50 SV nhập học, đến khi nhận được giấy xác nhận là SV năm nhất của Trường Lương Thế Vinh thì lớp còn 36 người. Hầu hết những SV này đều ở các tỉnh miền núi phía bắc và không đủ điểm sàn xét tuyển vào ĐH trong thời điểm đó, kể cả đã cộng các loại điểm ưu tiên.
Đến tháng 5.2015, các SV bắt đầu nghi ngờ vì chưa bao giờ thấy đại diện của nhà trường đến lớp. Việc giảng dạy rất tùy tiện, có giảng viên dạy môn nào thì SV học môn nấy, khi SV hỏi lớp thuộc chuyên ngành gì đều không được trả lời... Theo Hoàng Thị Khánh Vân, trong gần một năm học, SV nhiều lần kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm Lê Thị Hạnh yêu cầu cấp thẻ SV nhưng đều bị tránh né.
Giấy xác nhận sinh viên
Từ giữa năm 2015, một số SV chán nản, nghỉ học. Quá bức xúc, Đỗ Thị Tuyết và Hoàng Thị Khánh Vân tìm về Trường ĐH Lương Thế Vinh hỏi thì nhà trường cho biết không có lớp nào mang ký hiệu K11 BK2 cũng như tên 36 SV của lớp này.
Giả cả giấy gọi, giấy chứng nhận lẫn con dấu
Trả lời phóng viên Thanh Niên, ông Trương Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Lương Thế Vinh, khẳng định trường này chưa từng tuyển 36 SV kể trên. Ông Huy cũng cho rằng, toàn bộ sự việc trên đều do Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội, một đối tác đang liên kết đào tạo với Trường ĐH Lương Thế Vinh dàn dựng.
Tháng 10.2014, Trường ĐH Lương Thế Vinh và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội ký hợp đồng liên kết đào tạo. Theo đó, Trường ĐH Lương Thế Vinh sẽ trả 1 triệu đồng/SV cho Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa tuyển hộ, trích 30% học phí, lệ phí thu được trả cho việc thuê cơ sở vật chất và quản lý SV. Kỳ tuyển sinh năm học 2014, Trường Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa đã tuyển được 68 SV cho Lương Thế Vinh, mọi chi trả theo hợp đồng đều đã được thực hiện.
Về lớp học chui K11 BK2, khi có phản ảnh của SV, Trường ĐH Lương Thế Vinh điều tra và biết Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội đã làm giả con dấu để đóng vào các phiếu gọi nhập học, giấy xác nhận 36 SV, các hóa đơn học phí, lệ phí rồi tự thuê giảng viên, thu học phí cao hơn quy định của trường 100.000 đồng/tháng.
Trong một cuộc làm việc giữa 2 trường, ông Nguyễn Đình Ngọc, Phó giám đốc Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội, đã thừa nhận toàn bộ các hành vi giả mạo trên và nộp con dấu tự khắc về Trường ĐH Lương Thế Vinh để tiêu hủy.
Đáng nói là tháng 10.2014 hai trường mới ký hợp đồng liên kết đào tạo nhưng giấy gọi SV nhập học đã ký từ ngày 22.8.2014. “Họ đã lừa SV từ trước khi ký hợp đồng với chúng tôi”, ông Huy khẳng định.
Đem con bỏ chợ...
Sau khi sự việc vỡ lở, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội vẫn né tránh trách nhiệm với 36 SV, thậm chí còn tiếp tục lừa các SV này.
Đỗ Thị Tuyết cho biết hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ đều làm ruộng, một năm qua gia đình phải vay gần 40 triệu đồng cho Tuyết đi học, nay phải về quê với khoản nợ chưa biết bao giờ trả được. Tuyết cho biết: “Đã đòi trường nhiều lần nhưng mới được trả lại học phí 2 kỳ, các bạn còn lại chưa được bồi hoàn gì”.
Còn Hoàng Thị Khánh Vân cho biết đại diện Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội thông báo lớp học dừng nhưng SV nào có nhu cầu chuyển sang trường khác nhà trường sẽ sắp xếp. “Riêng đối với em, do biết em là người đã đi tìm hiểu sự thật nên đuổi học với lý do nghỉ học nhiều”, Khánh Vân thông tin. Có 14 SV đồng ý chuyển sang Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), một đối tác liên kết khác của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội, nhưng sau 2 tháng nhập học, các SV này vẫn chưa được cấp thẻ, quá nửa SV chán nản tiếp tục bỏ học.
Ông Trương Đức Huy cho biết đã yêu cầu Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội phải có trách nhiệm với 36 SV để không ảnh hưởng tới uy tín của Lương Thế Vinh, nhưng họ chỉ ậm ừ cho qua chuyện. “Chúng tôi đã gửi đơn đề nghị Bộ GD-ĐT xử lý”, ông Huy khẳng định.
Cần truy tố xử lý hình sự
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Việt Dương, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định trong số gần 50 trường TCCN do sở này quản lý không có trường nào có tên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội. Con dấu được sử dụng trong bản hợp đồng tạo nguồn và thuê cơ sở vật chất đào tạo với Trường ĐH Lương Thế Vinh là dấu của Công ty cổ phần đào tạo - Trường Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội. Ông Dương cho rằng nhiều khả năng “trường” này chưa có tư cách pháp nhân.
Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT cho rằng nếu sự việc đúng như Báo Thanh Niên nêu thì đây là một vụ lừa đảo, cần truy tố để xử lý hình sự chứ không thể giải quyết bằng biện pháp hành chính. Ngoài ra, ông Vinh đặt vấn đề hoạt động liên kết của Trường ĐH Lương Thế Vinh với Trường Kinh tế - Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội có đúng với các quy định hiện hành không? Trách nhiệm liên quan của Trường ĐH Lương Thế Vinh trong việc có quan hệ đối tác với một tổ chức giả danh nhà trường có hành vi lừa đảo người học. “Tôi lo ngại không biết có vi phạm từ phía Trường ĐH Lương Thế Vinh trong hoạt động liên kết nếu trường này liên kết với một công ty để đào tạo (chứ không phải hợp đồng đào tạo nhân lực cho công ty). Theo quy định, trường ĐH chỉ được phép liên kết đào tạo với Trung tâm GDTX cấp tỉnh, trường TCCN, trường CĐ hoặc ĐH”, ông Vinh nhận định.