Các đại biểu tham dự lễ bế mạc Đại hội Biển Đông Á.
Khoảng 700 đại biểu tham gia 3 phiên hội nghị toàn thể với 13 hội thảo quốc tế theo 3 nhóm chủ đề “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu”, “Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” và “Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương”.
Tại phiên 1 của hội nghị, các bên liên quan đã đưa ra nhiều quyết định như cần xây dựng và áp dụng cơ chế để phê chuẩn triển khai thực hiện các công ước quốc tế. Thể chế hóa các cam kết quốc tế và các chiến lược cũng như chương trình hành động trong khu vực như các mục tiêu phát triển, chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á, các kế hoạch hành động quốc gia thông qua việc xây dựng pháp luật quốc gia và phê chuẩn các chính sách, chiến lược, chương trình và các cơ chế một các toàn diện...
Tại các phiên thảo luận khác, các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề gồm mở rộng quản lý tổng hợp vùng bờ; áp dụng quản lý tri thức trong việc mở rộng đầu tư của khu vực công và tư trong nền kinh tế xanh; lượng giá dịch vụ hệ sinh thái vùng bờ và quy hoạch không gian vùng bờ biển; thông qua mô hình hợp tác công - tư, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của xã hội để phát triển nền kinh tế đại dương xanh…
Đại hội Biển Đông Nam Á do Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) và các quốc gia thành viên tổ chức là một hội nghị quốc tế hàng đầu về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương, tập trung vào các biển Đông Á, là nơi trao đổi thông tin tương tác, trung tâm xây dựng và phát triển các quan hệ đối tác và là cơ chế giám sát và lập kế hoạch cho sự phát triển bền vững các biển Đông Á.
Đại hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 và định kỳ 3 năm một lần. Năm 2015, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5. Mục đích chính của Đại hội lần này là cung cấp một diễn đàn cho các tổ chức và các bên liên quan trong khu vực xác nhận mục tiêu trọng điểm, lịch trình và cơ hội hợp tác góp phần thiết lập Chương trình nghị sự phát triển bền vững biển Đông Á; Gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức các chính sách, đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm và những sáng kiến, thành tựu đạt được, thực tiễn thành công trong lĩnh vực quản lý và phát triển bền vững môi trường biển Đông Á; Thông qua chiến lược cập nhật phát triển Đông Á và xác định mục tiêu hoạt động của PEMSEA sau năm 2015.
Lễ trao cờ Đại hội Biển Đông Á
Tại phiên bế mạc, đại diện Việt Nam đã trao cờ Đại hội Biển Đông Á cho Campuchia - là quốc gia sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Biển Đông Á và Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 6 vào năm 2018.