Theo đó, đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thông tư 193/2014/TT-BTC quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm và hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em và các nguồn kinh phí khác (nếu có). Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện để các địa phương có cơ sở thực hiện, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương để thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời kì ổn định ngân sách 2011-2015. Ngoài ra, Thông tư cũng đã quy định rõ ràng về việc bố trí dự toán của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện.
Mức chi cho công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ tùy thuộc vào từng loại hình khác nhau. Theo đó, chi phí xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy sẽ theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành; đối với việc chi cho công tác lập và kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ căn cứ vào hóa đơn, chứng từ hợp pháp và Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra, Thông tư 193/2014/TT-BTC còn quy định nội dung, mức chi đối với việc tổ chức cuộc họp tư vấn; chi hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; chi chuyển giao đối tượng về nơi cư trú và đến cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em…