Học sinh Tiểu học được chúng ta âu yếm gọi bằng một cái tên khác đầy ý nghĩa: “lứa tuổi cổ tích”. Ở lứa tuổi này, các em nhìn đời bằng đôi mắt trong veo và tin cậy, “suy nghĩ bằng hình ảnh”, sống với thế giới của cái Đẹp, của viễn tưởng và sáng tạo. Trẻ cũng rất ưa thích sự phiêu lưu để khám phá và ngạc nhiên trước những bí mật của cuộc sống...Tất cả những điều đó đã đưa các em đến gần với cổ tích, thả mình bay bổng cùng với các nhân vật của truyện để cho trí tưởng tượng trẻ thơ có cơ hội du ngoạn đến những xứ sở lạ kì. Đến với cổ tích chính là cơ hội cho trẻ nuôi dưỡng, phát triển cảm xúc thẩm mĩ và phát huy trí tưởng tượng, đồng thời giúp các em tìm tòi lẽ sống, làm phong phú tình cảm, đem đến cho con người niềm vui, lòng nhân ái.
Ta có thể hiểu vì sao cô Tấm chỉ đến ở với bà lão bán hàng nước cô đơn? Vì sao Sọ Dừa lại đầu thai vào một gia đình nghèo khổ? Chàng nông dân cứu giúp con chó, con mèo mà trở nên giàu có? và nhiều nhân vật khác nữa; người nông dân trong truyện cổ tích là có thực nhưng anh ta có thể phục sinh người chết bằng cách cho ăn lá cây đa thần là yếu tố kì ảo…Chính những yếu tố đó làm cho truyện cổ tích có sức hấp dẫn kì lạ đối với trẻ thơ.
Có lẽ đối với trẻ thơ, không có món quà nào hấp dẫn bằng truyện cổ tích. Bởi nó phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Từ em bé nhút nhát yếu đuối nhất đến những em được coi là ngỗ nghịch, bướng bỉnh nhất thì truyện cổ tích đều làm chúng say mê. Đến với truyện cổ tích là trẻ được đến với những giấc mơ thần tiên một cách tự nhiên nhẹ nhàng và đầy thích thú. Trên thực tế nếu tiết dạy kể chuyện được giáo viên quan tâm đúng mức ta sẽ thấy được những khuôn mặt hồ hởi, say mê đón chờ của các em khi đến giờ kể chuyện. Đến với truyện cổ tích, các em như lạc vào một thế giới khác, thế giới mà trong đó có những con thú biết nói; những nàng công chúa xinh đẹp; những chàng hoàng tử thông minh, dũng cảm; những bà tiên, ông bụt giàu phép biến hoá, tốt bụng và luôn luôn giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn hoạn nạn; những mụ phù thuỷ độc ác cuối cùng sẽ bị trừng trị…
Có thể thấy, qua mỗi câu chuyện các em như được sống cùng với diễn biến của câu chuyện, như được hòa mình với nhân vật trong truyện, có lúc lo lắng, căng thẳng, có lúc lại hồi hộp, vui sướng, hả hê… dường như mọi cung bậc tình cảm khi nghe truyện cổ tích đều thể hiện trên khuôn mặt các em không gì che dấu được. Rõ ràng truyện cổ tích có những yếu tố đáp ứng được nhu cầu tinh thần của trẻ và là món ăn không thể thiếu được của các em.
Lứa tuổi thiếu nhi là giai đoạn phát triển phức tạp, cùng với sự hoàn thiện về thể chất, lứa tuổi thiếu nhi còn có những đặc điểm tâm sinh lý riêng biệt, giàu cảm xúc, thích tìm tòi khám phá, ham hiểu biết. Nhân cách của các em đang trong giai đoạn phát triển và chịu sự chi phối tác động của nhiều yếu tố. Việc đem lại cho các em những dấu ấn đầu tiên về cái đẹp có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành những cảm xúc, quan niệm thẩm mỹ, lòng nhân ái của các em sau này. Chính điều đó mà truyện cổ tích đã trở thành một phương tiện giáo dục rất hiệu quả đối với trẻ thơ. Mỗi câu chuyện là một bài học sống động về những phẩm chất đạo đức, cách xử trí thông minh cần có để giúp trẻ biết sống đẹp, biết ứng xử tốt với những người xung quanh. Bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, đem đến cho trẻ những ước mơ bay bổng, những xúc cảm thẩm mĩ về một thế giới huyền ảo, phát triển trí tưởng tượng của các em, hướng tâm hồn các em vào những ước mơ đẹp....Đó cũng là điều mà Chương trình giáo dục Tiểu học đã, đang hướng tới và thực hiện./.