Để thực hiện đổi mới tổ chức lớp học theo Mô hình trường học mới, các trường được triển khai Dự án đều chú trọng đến việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, giúp giáo viên hiểu chắc, hiểu sâu về Mô hình trường học mới Việt Nam từ đó giúp cho đội ngũ các thầy cô giáo thực hiện tốt việc đổi mới tổ chức lớp học.
Trang trí lớp học và một buổi bầu Hội đồng tự quản
Dưới sự tư vấn, khích lệ, hướng dẫn của giáo viên cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh và cộng đồng giúp học sinh thành lập “Hội đồng tự quản” và các ban học tập, Ban văn nghệ - thể thao, Ban lao động vệ sinh, Ban quyền lợi học sinh, Ban đối ngoại, Ban thư viện,… từ đó khuyến khích và bảo đảm cho các em tham gia một cách dân chủ, tích cực, toàn diện vào các hoạt động của nhà trường, đồng thời chuẩn bị cho các em ý thức trách nhiệm khi thực hiện quyền và bổn phận của mình trong lớp học và trong các hoạt động của trường; thông qua đó còn giáo dục cho các em lòng khoan dung, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết. Một điều dễ nhận thấy là hầu như ở tất cả các lớp các em tham gia Hội đồng tự quản và các ban chuyên trách rất tích cực, rất có trách nhiệm cao trong công việc, huy động được sự vào cuộc của các bạn trong lớp khá đồng đều.
Bên cạnh việc hoạt động của Hội đồng tự quản thì việc xây dựng các góc học tập, huy động sự tham gia của giáo viên, cha mẹ học sinh và các em học sinh trong việc xây dựng các góc học tập “Góc cộng đồng”, “Thư viện lớp học”; bố trí lớp học với các công cụ giúp cho việc thúc đẩy Hội đồng tự quản của học sinh như: Nhịp cầu bè bạn, Điều em muốn nói, Nội quy lớp học, Bản đồ cộng đồng, Muôn hoa khoe sắc, Em yêu quê hương…. phù hợp với không gian lớp học và điều kiện thực tế đảm bảo hiệu quả tiết kiệm đã phát huy khả năng sáng tạo, sưu tầm tài liệu, tư liệu, mẫu vật sinh động, phong phú của giáo viên, học sinh, cha mẹ các em và cả cộng đồng từ đó tạo sự hào hứng phấn khởi, sự gắn bó trách nhiệm của các thành viên; tạo ra môi trường giáo dục gần gũi, không gian lớp học ấm cúng, thân thiện, các em được chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ, sự sáng tạo, nhu cầu với thầy cô, bạn bè. Các công cụ hoạt động, các góc học tập được khai thác sử dụng thường xuyên gây hứng thú và có ý nghĩa thiết thực với các hoạt động học tập của các em.
Với vai trò là người tổ chức, hướng dẫn và khích lệ các em tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức, hình thành và phát triển kĩ năng giao tiếp, ứng xử dân chủ, bình đẳng, quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình bài học, đặc biệt chú trọng đến những biện pháp hỗ trợ kịp thời với học sinh khi các em cần sự hỗ trợ để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Thêm vào đó là hoạt động nhóm (nhóm lớn và nhóm đôi) là chủ đạo, có ý nghĩa quan trọng học sinh được sắp xếp, bố trí ngồi theo các nhóm 4 hoặc 6 em/1 nhóm. Nhóm trưởng trong nhóm học tập có một vai trò quan trọng, trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của nhóm; các em đã biết huy động tất cả các thành viên tham gia tích cực vào nội dung thảo luận hoặc các nhiệm vụ, các bài tập; khuyến khích các bạn trao đổi và điều chỉnh, bổ sung nội dung thảo luận; tổ chức đánh giá kết quả làm việc, kết quả học tập, cách trình bày của của các thành viên, tổng kết lại ý kiến của nhóm để báo cáo với thầy cô giáo, các nhóm trưởng được luân phiên trong điều hành nhóm vì vậy mỗi học sinh trong lớp đều có cơ hội phát triển, được thể hiện trước tập thể.
Sau khi đã triển khai khá hiệu quả tại các trường Dự án, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai nhân rộng tại 12 trường tiểu học từ năm hoc 2013-2014; đến năm học 2015-2016 các trường trong huyện đã đồng loạt triển khai. Kết quả học kì I năm học 2016-2017 học sinh được xếp loại phẩm chất, năng lực đạt và đạt tốt trên 98%; chất lượng hai môn Toán, Tiếng Việt: học sinh Hoàn thành và Hoàn thành tốt đạt 98,7%.
Từ những thành công trên, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng bên cạnh việc xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn và năng lực sư phạm phải làm tốt công tác tuyên truyền, xã hội hóa, huy động cộng đồng và cha mẹ học sinh, đặc biệt là sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng trong các hoạt động giáo dục học sinh, chú trọng bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng cần thiết cho cán bộ quản lý, giáo viên để có kĩ năng và hiểu biết đúng đắn về mô hình trường học mới đó là tổ chức lớp học, tổ chức dạy học.
Năm năm đã đi qua, khoảng thời gian đó không phải là dài đối với giáo viên và các em học sinh các trường trong huyện, nhưng một điều đáng ghi nhận là sự thay đổi rõ rệt trong việc tổ chức lớp học, mang lại những hơi thở mới, tạo cảm hứng mới, mở ra con đường hình thành con người mới biết suy nghĩ, biết diễn đạt, linh hoạt trong giao tiếp, sáng tạo trong học tập, tự lập và tự tin; biết hỗ trợ hợp tác để cùng đạt được mục đích cuối cùng là các thế hệ học trò năng động tự tin tự học và giải quyết vấn đề trong học tập và thực tiễn cuộc sống. Đất trời Tây Bắc đang chuẩn bị thay màu áo mới bước sang một năm mới hãy chúc cho các thầy cô giáo và các em học sinh một mùa xuân với niềm hạnh phúc trọn vẹn, sáng tạo, tự tin đằm thắm rực rỡ như hoa đào giữa ngày xuân.