Theo Thông tư số 41/2010/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2010, sinh hoạt chuyên môn là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường. Đây là một trong những hình thức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, các trường tiểu học đang triển khai các chương trình dạy học như: chương trình hiện hành; chương trình Tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục khối lớp 1; Mô hình trường học Việt Nam khối lớp 2, 3, 4, 5 nên việc sinh hoạt chuyên môn của các tổ khối sẽ gặp một số khó khăn đòi hỏi các nhà trường cần tìm ra các giải pháp để tổ chức sinh hoạt chuyên môn có hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp để các đơn vị tham khảo triển khai thực hiện.
Trước hết, Hiệu trưởng nhà trường cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường, kiểm tra giám sát và tham gia sinh hoạt chuyên môn cùng tổ khối trong suốt năm học. Hiệu trưởng cần quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ giáo viên về tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên môn trong các cuộc họp của Chi bộ, Hội đồng nhà trường; đưa các chỉ tiêu về thực hiện sinh hoạt chuyên môn để thảo luận trong Hội nghị cán bộ, viên chức thống nhất chỉ tiêu đưa vào Nghị quyết thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho từng tổ khối, từng cá nhân. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các buổi sinh hoạt chuyên môn đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cần tập trung vào các các nội dung như: đổi mới phương pháp dạy và phương pháp học; đổi mới tổ chức lớp học; đổi mới đánh giá học sinh, đổi mới sự tham gia của cộng đồng với giáo dục; điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học. Trong kế hoạch cần nêu rõ nội dung sinh hoạt, người thực hiện, lớp thực hiện, thời gian, địa điểm thực hiện,... Trước khi thực hiện buổi sinh hoạt chuyên môn cần làm tốt công tác chuẩn bị, phân công trách nhiệm cho các thành viên tham gia cuộc họp sinh hoạt chuyên môn: phân công người dạy, người chuẩn bị phương tiện,... phân công giáo viên hoặc tổ chuyên môn hỗ trợ giáo viên dạy minh họa hoặc chuẩn bị nội dung chuyên đề, hội thảo. Trong một số buổi sinh hoạt, thảo luận về chuyên môn ban giám hiệu chia nhóm, mỗi nhóm có đầy đủ các thành viên của mỗi chương trình học hoặc có sự thay đổi theo khối lớp với sự luân phiên giữa các chương trình học để giúp nhau nắm bắt cập nhật các nội dung chương trình. Các buổi sinh hoạt chuyên môn đầu năm tổ chức tại trường chính để thống nhất các nội dung, hình thức cho năm học. Các buổi sinh hoạt chuyên môn thường kì trong năm, tuỳ từng nhiệm vụ cụ thể mà bố trí sắp xếp luân phiên sinh hoạt chuyên môn ở các điểm trường. Tạo điều kiện để học sinh và giáo viên các điểm trường lẻ được tham gia, đánh giá chuyên môn như ở trường trung tâm.
Dự giờ ở trường Tiểu học Thanh Luông, huyện Điện Biên
Thứ ba, nâng cao chất lượng của hoạt động dự giờ, sau dự giờ trong các buổi sinh hoạt chuyên môn. Việc dự giờ là để giáo viên thiết kế lại bài học dựa trên thực tế trong tiết dạy mà đồng nghiệp đã thực hiện. Thực tế tiết dạy giúp chúng ta thấy rõ việc dạy của giáo viên và ý thức, thái độ, kết quả học tập của học sinh. Việc thảo luận, rút kinh nghiệm sau giờ dạy là rất quan trọng. Để tạo ra bầu không khí mà trong đó mọi giáo viên có thể thoải mái bày tỏ với đồng nghiệp những ý kiến, chia sẻ những khó khăn mà giáo viên gặp phải trong quá trình dạy học, cần thực hiện như sau: khuyến khích các giáo viên tự nguyện đăng ký, lựa chọn bài học, chủ động sáng tạo chuẩn bị bài căn cứ vào mục đích cụ thể của buổi sinh hoạt chuyên môn. Tạo không gian lớp học thoáng mát; sắp xếp học sinh, các nhóm, chỗ ngồi cho người dự giờ đảm bảo, hợp lý để người dự quan sát được giáo viên, học sinh trong quá trình dự giờ. Trong khi dự giờ, giáo viên vừa quan sát cách tổ chức lớp học vừa quan sát thực tế cử chỉ, thái độ, nét mặt, hoạt động của học sinh. Giáo viên chọn vị trí ngồi dễ quan sát nhất và phù hợp với không gian lớp học. Giáo viên dự không nên trao đổi với nhau gây ức chế về tâm lý cho người dạy, gây hình ảnh phản cảm cho học sinh. Trong quá trình thảo luận, khuyến khích giáo viên cùng chia sẻ các suy ngẫm của mình về bài học trên cơ sở lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Việc thảo luận không tập trung đánh giá tiết dạy mà chủ yếu nhằm phân tích các tình huống quan sát được từ các hoạt động học và kết quả học tập của học sinh trong giờ học. Cần nhấn mạnh những điểm thành công của giờ học, có thể chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong tiết dạy, nguyên nhân học sinh chưa tích cực hoặc chưa đạt kết quả trong bài học và tìm giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng bài học. Như vậy sẽ tạo tâm thế thoải mái cho người dạy cũng như người dự khi đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp.
Sinh hoạt chuyên môn tại trường Tiểu học Chà Cang, huyện Nậm Pồ Thứ tư, cần duy trì và nâng cao khả năng tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên. Các nhà trường cần tạo điều kiện để 100% cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng tập trung trong hè theo kế hoạch và bồi dưỡng thường xuyên trong năm học, các buổi sinh hoạt chuyên môn cụm trường. Tham gia hội giảng, hội thảo, hội thi kết hợp với tự học tự bồi dưỡng; có sổ ghi chép các nội dung bồi dưỡng và giải bài tập; có sổ dự giờ, ghi chép và đánh giá theo quy định, dự giờ học hỏi đồng nghiệp. Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chủ động, sáng tạo, tích cực tham mưu đề xuất những vấn đề về chuyên môn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, phù hợp với nhiệm vụ được giao. Kết hợp nhiều hình thức bồi dưỡng, lấy tổ chuyên môn làm nòng cốt trong bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên.
Cán bộ quản lý và giáo viên trường tiểu học tham gia tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của sinh hoạt chuyên môn, các đơn vị cần lưu ý trong các buổi sinh hoạt chuyên môn chỉ bàn về nội dung chuyên môn, không kết hợp với họp định kì; không kiểm điểm tình hình hoạt động và thực hiện kế hoạch của nhà trường trong cuộc họp. Việc tổ chức họp chuyên môn cấp tổ, cấp trường, cấp cụm trường phải đảm bảo cụ thể, thiết thực, hiệu quả, được tổ chức thường xuyên, có chất lượng, tạo cơ hội để mỗi cán bộ giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, trao đổi, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên trong quá trình dạy học; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục./.