Tham dự bảo vệ đề tài, hội đồng khoa học tỉnh có ông Lê Văn Quang – Phó Giám đốc sở KH&CN – Chủ tịch hội đồng; Ths. Nguyễn Văn An – Giám đốc sở KH&CN - Phó chủ tịch hội đồng cùng 9 thành viên của hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh là lãnh đạo các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch – Đầu tư, Ban dân tộc, Tỉnh đoàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…. Về phía đơn vị chủ trì thực hiện đề tài Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện có Ths. Nguyễn Sỹ Quân – Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo; NGƯT. Phạm Quang Tể - Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục – chủ nhiệm đề tài cùng các cộng tác viên.
NGƯT. Phạm Quang Tể (thứ hai bên phải từ phía màn hình xuống) - chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu.
Sau 02 năm thực hiện với lượng kinh phí không lớn, đề tài với khoảng 250 trang đã hoàn thành được mục tiêu xây dựng hệ thống kiến thức cơ sở về văn hóa, bản sắc văn hóa; vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam. Những vấn đề chung về bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên. Phương hướng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên trong nhà trường thuộc các ngành học, cấp học mầm non, Tiểu học, THCS, THPT. Bổ sung, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học những kiến thức cơ bản có liên quan.
Trong quá trình thực hiện, Đề tài đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cộng tác viên là cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc Sở, cán bộ quản lý các trường DTNT THPT và đặc biệt là GS Trần Trí Dõi – chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam thuộc khoa Ngôn ngữ kiêm giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số - miền núi và lưu vực sông Hồng trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc đại học quốc gia Hà Nội.
Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao sự nghiêm túc, tâm huyết trong nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài, hàm lượng khoa học lớn, khẳng định đề tài có giá trị quan trọng, có tính cấp thiết cao không chỉ đối với ngành giáo dục mà cần nhân rộng, lan tỏa ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực và địa phương trong tỉnh. Nhất trí sự cần thiết có đề án đưa đề tài vào triển khai ứng dụng thực tế trên địa bàn tỉnh.
Một số ý kiến đóng góp quý báu xác đáng của các thành viên hội đồng được chủ nhiệm đề tài tiếp tu và hoàn chỉnh sớm. Đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh nhất trí thông qua và bỏ phiếu chấm điểm với tổng số điểm 1035, đạt bình quân 94,09 điểm, xếp loại xuất sắc.
Được biết năm 2013 ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục trình đề cương 3 đề tài khoa học cấp tỉnh (2 đề tài của trường Cao đẳng sư phạm) để thực hiện các năm 2014 và 2015./.
Nguyễn Hùng Cường – Chuyên viên phòng CNTT&NCKH.