Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực từ 01/5/2013 với 5 chương và 35 điều. Luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại thuốc lá.
Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định về các địa điểm cấm hút thuốc, bao gồm: các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg (25/1/2013) phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020. Mục tiêu của của chiến lược là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe
Các giải pháp chủ yếu được đưa ra trong Chiến lược bao gồm việc hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; tiếp tục tăng cường thực thi quy định môi trường không khói thuốc lá; chủ trì nghiên cứu, lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học; nghiên cứu và xây dựng các đề án thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; thành lập các đoàn thanh tra liên bộ giám sát địa điểm công cộng không khói thuốc...
Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, đặc biệt là trong nam giới (trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành từ 15 tuổi trở lên thì có 1 người hút thuốc); gần 8 triệu người lao động Việt Nam thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc, 33 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà.
Hút thuốc lá không chỉ có hại cho sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh Với chức năng là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, CNVCLĐ, Tổng Liên đoàn LĐVN quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong CNVCLĐ, đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống Công đoàn. Tổng Liên đoàn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá, chỉ đạo các cơ quan báo chí trong hệ thống Công đoàn tăng cường tin, bài tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường sống, giúp cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, giảm dần tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Các cấp công đoàn xây dựng môi trường “Nơi làm việc không khói thuốc lá”. Các địa phương ban hành kế hoạch thực hiện tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá; triển khai cho CNVCLĐ cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc. Các cơ quan trong hệ thống Công đoàn đưa việc không hút thuốc lá nơi làm việc vào nội quy, quy chế của cơ quan, doanh nghiệp. Hằng năm bình xét thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch TLĐ Hoàng Ngọc Thanh cho biết: Để nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống tác hại thuốc lá đảm bảo sức khỏe người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong CNVCLĐ, đặc biệt là CNLĐ tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của CNVCLĐ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường sống của con người. Công đoàn tham gia cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá sâu, rộng trong CNVCLĐ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện có hàng chục nghìn cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ bỏ thuốc lá; trên 85% Công đoàn cơ sở thuộc khu vực hành chính sự nghiệp thực hiện tốt “Môi trường làm việc không khói thuốc”.