I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình (giữa vợ và chồng; giữa cha mẹ và con cái; giữa người cao tuổi và con cháu) và hỗ trợ xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về mối quan hệ giữa vợ và chồng.
Phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các cuộc hôn nhân đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật; có 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Hằng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực giữa vợ và chồng; giảm 15% (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn giảm 10%) người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định.
b) Về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Đến năm 2020 có 75% cha hoặc mẹ có trẻ em dưới 6 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng về nuôi dạy, chăm sóc con cái; phấn đấu có 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần. Hằng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực với trẻ em.
c) Về mối quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu trưởng thành.
Đến năm 2020 có 80% hộ gia đình có người cao tuổi được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi; phấn đấu có khoảng 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi. Hằng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực với người cao tuổi.
d) Về hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Đến năm 2020 có 85% (khu vực khó khăn có 70% và đặc biệt khó khăn có 75% trở lên) hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; phấn đấu có 95% hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật và phúc lợi xã hội. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thí điểm mô hình liên quan tới xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; có khoảng 70% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng và điều hành trang thông tin điện tử (website) về tư vấn hôn nhân và gia đình nhằm cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các thành viên gia đình về xây dựng gia đình hạnh phúc.
II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội, các thành viên trong gia đình về tầm quan trọng của gia đình và giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình.
a) Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình.
b) Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng vào đối tượng nam giới.
c) Nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam, những hủ tục ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả tiêu cực về mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội.
d) Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại tác động vào gia đình.
2. Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo và năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án.
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với thực hiện các mục tiêu của Đề án.
b) Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đáp ứng yêu cầu quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình. Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực trong quản lý, bồi dưỡng, cung cấp nội dung về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình.
c) Nâng cao năng lực của cán bộ, cơ quan có liên quan trong lồng ghép, phối hợp thực hiện các mục tiêu của Đề án với mục tiêu của các Đề án khác trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
3. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình.
a) Cung cấp cho các thành viên gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ về kỹ năng sống (kỹ năng làm cha, mẹ, chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em), nội dung giáo dục đời sống gia đình.
b) Nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.
4. Xã hội hóa các hoạt động phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình.
a) Đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển gia đình, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành, đoàn thể và địa phương.
b) Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức, dòng họ, cá nhân, đặc biệt là nam giới vào việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện, cơ hội cho các thành viên gia đình nâng cao nhận thức và thực hiện các hoạt động liên quan.
c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể 20/2/2014./.