Toàn ngành hiện có 504 trường học, phần lớn các trường học đều đóng ở xa khu trung tâm, gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công tác duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng. Hơn 90% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình.
TS. Nguyễn Quốc Oánh - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội trao quà cho trường THCS Pa Thơm - huyện Điện Biên.
Thực hiện phong trào xã hội hóa giáo dục, Ngành GD&ĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân, phụ huynh học sinh nhận thức sâu rộng về giáo dục, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động tạo mặt bằng, xây dựng, tu sửa trường lớp học. Kêu gọi sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tài trợ kinh phí để tặng quà cổ vũ tinh thần học tập cho học sinh.
Ngoài ra, các đơn vị trường học còn tận dụng các khoảng đất trống ở khu ký túc xá trồng thêm cây xanh, rau màu, chăn nuôi gà, lợn… Nhờ đó, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm vào bữa ăn hàng ngày cho các em học sinh.
Làm tốt việc huy động Nhân dân đóng góp sức người, hiện vật (gỗ, tre) để xây dựng trường lớp, làm phòng học tạm, cải tạo cảnh quang môi trường học tập. Việc xã hội hóa giáo dục đã cải thiện đáng kể cơ sở vật chất ở các điểm trường, song cái được lớn nhất đó là từ chỗ phải kêu gọi, vận động, đến nay nhiều phụ huynh đã tự giác quan tâm hơn đến việc học và các hoạt động ở trường của con em mình. Chính quyền các xã, tổ chức hội và các đoàn thể đã chia sẻ, giúp đỡ bằng ngày công, những nguyên vật liệu sẵn có phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch CĐGD VN Trần Công Phong cùng đại biểu làm lễ khởi công công trình nhà công vụ cho giáo viên tại xã Huổi Khon
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển lâu dài, những năm qua Ngành GD&ĐT đã phối hợp với các ban, nghành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền trong Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về chủ trương xã hội hoá giáo dục. Trước thực trạng cơ sở vật chất của các trường còn nhiều thiếu thốn, một số trường xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, Ngành đã tham mưu với UBND Tỉnh phê duyệt danh mục cải tạo nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất cho nhiều đơn vị trường học và điểm trường để đáp ứng cho công tác dạy và học. Đồng thời tranh thủ khai thác mọi nguồn vốn từ ngân sách cấp trên đến huy động các tầng lớp Nhân dân đóng góp, các tổ chức xã hội ủng hộ... để đầu tư kiên cố hoá trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai sâu rộng đã thu hút sự quan tâm, huy động được nguồn tài trợ từ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điển hình như: Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 1,3 tỉ đồng xây dựng 2 nhà công vụ cho giáo viên tại xã Huổi Khon (800 triệu) và Pa Thơm (500 triệu); Sở GD&ĐT Hà Nội, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng; Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, Báo Lao động hỗ trợ 60 triệu đồng cho các em học sinh học giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN hỗ trợ máy tính cho CBGV-LĐ trong ngành, Nhóm thiện nguyện hỗ trợ tiền, chăn, áo ấm cho các em học sinh khó khăn...
Với những kết quả đã đạt được trong công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần cải thiện điều kiện, môi trường học tập. Đó cũng chính là động lực, sức mạnh để thầy cô và các em học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên trong sự nghiệp trồng người./.