Chi hội Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo được hình thành là một nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển của Mỹ thuật tỉnh Điện Biên, là nguyện vọng chính đáng của giáo viên Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo. Với đội ngũ hơn 200 giáo viên Mỹ thuật công tác trên khắp các địa bàn trong tỉnh, đây là đội ngũ quan trọng góp phần vào công tác giáo dục, đào tạo và giáo dục thẩm mỹ cho HSSV trong tỉnh. Với tâm huyết của lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội VHNT tỉnh, ngày 26/6/2012 Chi hội Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo chính thức được thành lập với 41 hội viên. Chi hội là tổ chức tợp hợp những thầy cô giáo có niềm đam mê sáng tạo Mỹ thuật với mong muốn góp phần phát triển loại hình này đến với đông đảo công chúng thưởng lãm, Chi hội cũng là nơi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ của các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn Mỹ thuật của ngành.
Ban chấp hành Chi hội khóa 1 Dấu ấn đầu tiên của Chi hội là tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực III, Tây Bắc - Việt Bắc tại tỉnh Lạng Sơn. Tại triển lãm này, Chi hội có 14 tác phẩm tham dự, trong đó có 11 tác phẩm được dự treo, 01 được tặng thưởng của Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm cũng ghi nhận lần đầu tiên tỉnh Điện Biên tham dự với số lượng tác giả trẻ có tác phẩm được dự treo đông đảo nhất so với các kỳ tham gia triển trước đây mà tỉnh tham gia. Triển lãm cũng là dịp hội viên Chi hội tiếp cận với một “sân chơi” lớn của những người sáng tác mỹ thuật chuyên nghiệp ở các tỉnh bạn, được trải nghiệm và thẩm thấu với cách làm mỹ thuật chuyên nghiệp, đó cũng là nguồn động lực giúp hội viên có ý thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và nuôi dưỡng đam mê với nghề.
Tại các kỳ triển lãm Mỹ thuật khu vực từ năm 2013 đến 2016, sáng tác của hội viên Chi hội trở thành nguồn mạch chính đại diện cho Mỹ thuật tỉnh Điện Biên đến bạn bè trong khu vực. Qua 4 kỳ triển lãm, chi hội có hơn 50 tác phẩm gửi tham dự và gần 50 tác phẩm trong số đó được dự treo, 05 tác phẩm được tặng thưởng của Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam. Qua đó sáng tác của hội viên từng bước nâng cao về nội dung, hình thức, kỹ thuật, đa dạng về thể loại và chất liệu. Một số tác giả bắt đầu đi sâu vào tìm tòi những ý tưởng mới, thể nghiệm các kỹ thuật và chất liệu với tính chuyên nghiệp. Có thể kể đến tác giả: Lê Văn Ninh đi sâu vào thể nghiệm chất liệu Sơn dầu với thể loại tranh chân dung; Mai Thanh Hưng với kỹ thuật khắc gỗ điêu luyện; Nghiêm Minh Hải thể nghiệm với các tông màu, cảm xúc về học sinh các dân tộc vùng cao; Vũ Hữu Cương với những thể nghiệm về tranh Lụa, Sơn mài… bên cạnh đó xuất hiện của các tác giả trẻ giàu tiềm năng như: Trần Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tâm, Lò Thị Hương, Mùa A Chu,… đã góp phần không nhỏ đưa đội ngũ sáng tác của Chi hội ngày càng có chất và lượng, đồng thời họ cũng thể hiện những chủ đề, phong cách vẽ với những nét riêng biệt và giàu khát vọng sáng tạo của sức trẻ. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng lực lượng hội viên Chi hội tuy nhiều nhưng số lượng và chất lượng sáng tác không cân xứng. Nhiều hội viên chưa chủ động tích cực sáng tác, đặc biệt khả năng sáng tạo còn hạn chế, chưa tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của Chi hội. Tác phẩm của hội viên Chi hội tuy đã có sự phát triển về nội dung và hình thức nhưng về kỹ thuật thể hiện còn yếu so với các tỉnh bạn.
Hội viên Chi hội và các họa sĩ tỉnh Điện Biên tham dự triển lãm khu vực III tại Sơn La – Năm 2015 Qua 5 năm hoạt động của Chi hội cũng ghi nhận những đóng góp của hội viên góp phần đưa mỹ thuật đến với học đường. Nhiều hội viên tích cực tham mưu với lãnh đạo đơn vị nơi mình công tác để tổ chức triển lãm mỹ thuật cho học sinh vào các dịp lễ lớn trong năm. Từ năm 2013 đến 2016 Ban chấp hành Chi hội cùng phối hợp với Nhà thiếu nhi tỉnh hàng năm tham gia tổ chức triển lãm, chấm tranh và huấn luyện học sinh tại một số trường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và Làng trẻ em SOS, lựa chọn những học sinh có năng khiếu đại diện cho thiếu nhi tỉnh Điện Biên dự thi vẽ tranh tại các Liên hoan thiếu nhi trong khu vực và toàn quốc, nhiều em được giải cao tại các cuộc thi này.
Dưới sự điều hành của Ban chấp hành, hội viên chi hội thường xuyên, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ do Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội VHNT tỉnh giao cho như: thiết kế, thi công các sân khấu các Hội thi của ngành, hoạt động Văn hóa - Văn nghệ của Hội VHNT tỉnh như: triển lãm tranh, ảnh, trình diễn thư pháp, thiết kế sách, báo, minh họa,… các sáng tác của hội viên Chi hội được in đều đặn và giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Điện Biên.
Trong 5 năm hoạt động, chi hội đã kết nạp thêm 10 hội viên mới, giới thiệu kết nạp 05 hội viên là hội viên Hội VHNT tỉnh, trong hai năm 2015 - 2016 chi hội có 03 hội viên được kết nạp là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Với những thành tích đã đạt được Chi hội vinh dự được Hội VHNT tỉnh 5 lần tặng giấy khen, được Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc tặng 1 Bằng khen, nhiều cá nhân tích cực được nhận giấy khen của Hội VHNT tỉnh; 03 tác giả được có tác phẩm đạt Giải thưởng VHNT tỉnh Điện Biên lần thứ II trong đó có 01 giải Nhất, 01 giải Ba và 01 giải Khuyến khích.
Những bước đầu còn gian khó trong việc tổ chức và duy trì hoạt động của Chi hội, không ít hội viên Chi hội, giáo viên Mỹ thuật trong ngành, thậm chí cả những người làm công tác mỹ thuật trong tỉnh nghi ngại về sự tồn tại và phát triển của Chi hội, về chất lượng sáng tác của hội viên,… quả thực hơn 5 năm qua, Chi hội chưa làm được nhiều điều như mong đợi của các cấp quản lý, của hội viên nhưng nhìn lại chặng đường đã qua chúng ta có thể thấy ít nhiều Chi hội đã đặt được nền móng góp phần xây dựng nên ngôi nhà Mỹ thuật của tỉnh nói chung và của ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng.
Tiến tới Đại hội Chi hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 – 2020. Chi hội đang tiếp tục hoạt động với những hoạt động thiết thực như: triển lãm mỹ thuật tại 6 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tợp hợp sáng tác của hội viên chuẩn bị tham dự Triển lãm mỹ thuật khu vực, đặc biệt là tổ chức tốt Đại hội lần thứ 2.
Chặng đường phát triển của Chi hội còn dài, tập thể Chi hội với tâm niệm và mong muốn Mỹ thuật Điện Biên phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho tỉnh nhà, chi hội rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài ngành, đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội VHNT tỉnh. Sự tồn tại và phát triển của Chi hội cũng cần sự nỗ cố gắng, nhiệt tâm của từng hội viên bằng những tác phẩm cụ thể. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới Chi hội sẽ có những bước tiến vững chắc và sức lan tỏa lâu bền.
* Giới thiệu một số sáng tác của hội viên