Sau gần 60 phút chạy xe từ thành phố Tuyên Quang, đoàn chúng tôi đến xã Tân Trào nằm ở phía Bắc huyện Sơn Dương, địa danh đã ghi dấu những sự kiện lịch sử hào hùng của những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại đây đoàn chúng tôi được thăm lại một số di tích: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào.
Tháng 5/1945 Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang). Người chọn nơi đây làm trung tâm chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Ngày 4/6/1945 theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Khu giải phóng Việt Bắc chính thức được thành lập, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc các tỉnh lân cận: Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Tân Trào được chọn làm thủ đô của Khu giải phóng Việt Bắc.
Để vào được lán, đoàn phải đi qua một con suối nhỏ - suối Khuôn Pén. Năm 1961 trong lần về thăm Tân Trào Bác Hồ đã đề nghị đắp một con đập ngăn suối để lấy nước cho bà con tưới tiêu, đến 1970 con đập được đắp xong. Đi qua con đập là 79 bậc thang tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác, chúng tôi đến được lán.
Lán Nà Nưa theo tiếng Tày có nghĩa là “ruộng ở trên cao”. Do đọc phiên âm L-N nên lán còn được gọi là Lán Nà Lừa. Đây là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong 92 ngày, từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám.
Trước khi đến ở và làm việc tại lán, Bác có ở tại gia đình cụ Nguyến Tiến Sự - làng Tân Lập – Tân Trào. Người dân tộc nơi đây gọi Bác bằng cái tên trìu mến: Ông Ké cách mạng, Ông Ké Tân Trào. Tuy nhiên để đảm bảo bí mật về thân thế của Bác và không làm phiền đến sinh hoạt của bà con Bác đã chuyển lên lán Nà Nưa. Lán được dựng đơn sơ, giản dị theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc miền núi, dưới những tán cây rậm rạp để đảm bảo bí mật cũng như để đảm bảo yêu cầu của Bác lúc bấy giờ: gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến và tiện đường thoái.
Lán tuy nhỏ nhưng được chia làm hai gian: gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Phía trước lán là những phiến đá, vào những ngày tối trời bác đem máy chữ ra soạn thảo văn bản, những chủ trương, kế hoạch chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Trong thời gian ở lán Nà Nưa Bác đã 55 tuổi, đời sống khi đó còn thiếu thốn, bữa cơm thường chỉ có măng rừng chấm muối và nước trà xanh làm canh, cùng thời tiết khắc nghiệt giữa mùa mưa của núi rừng Việt Bắc. Trong điều kiện đó, Bác Hồ bị ốm rất nặng, thuốc men khan hiếm. Những phương thuốc của bà con dân tộc đem về từ rừng sâu cũng không làm thuyên giảm cơn sốt của Bác. Trong cơn bệnh nặng, lúc tỉnh lại sau cơn sốt mê man, Bác Hồ có căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp những nhận định thần thánh về thời cơ cách mạng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Nhờ sự mách bảo của bà con, một cụ lang đã đến chữa bệnh cho Bác. Sau vài lần uống thuốc của cụ, sức khỏe của Bác được phục hồi. Sau này Bác có cho tìm cụ lang, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai biết cụ lang đó là ai, phương thuốc chữa bệnh cho Bác là gì.
Ngày 19/8/1945 thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 22/8/1945, Bác Hồ dời lán Nà Nưa về tiếp quản thủ đô. Sau khi dời đi, Bác đã cho dỡ lán để xóa dấu vết và để đảm bảo an toàn cho bà con nơi đây. Đến 1972 khi quay lại Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cho phục dựng lại lán Nà Nưa ở vị trí cũ. Lán được bà con trong vùng gọi bằng cái tên thân thuộc: Phủ chủ tịch bằng tre nứa./.