Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg quy định rõ, người lao động có hộ khẩu thường trú từ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật sẽ được vay vốn tối đa bằng 100% chi phí đóng theo hợp đồng và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
|
Người dân huyện Điện Biên Đông tìm hiểu các quy định về xuất khẩu lao động |
Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên, thời hạn cho vay không quá thời gian làm việc ghi trong hợp đồng.
Quyết định cũng quy định cụ thể việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt vốn vay. Theo đó, người lao động lập hồ sơ vay vốn gửi trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đến Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, nơi người lao động có hộ khẩu thường trú. Hồ sơ vay vốn bao gồm: Một bản chính Giấy đề nghị vay vốn (Mẫu số 1 hoặc Mẫu số 2 theo quy định tại Quyết định 27/2019/QĐ-TTg), có xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng được hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại Quyết định này; một bản sao công chứng hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật; một bản sao công chứng hộ chiếu của người lao động còn đủ thời hạn để thực hiện hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. Trong thời 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Trường hợp không phê duyệt, phải có văn bản gửi người lao động nêu rõ lý do.
Những năm gần đây, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động ở tỉnh Điện Biên đã mở ra hướng đi hiệu quả trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng khó khăn. Nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình đã có điều kiện nâng cao thu nhập, đầu tư mua sắm trang thiết bị, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện cuộc sống. Không những thế, người lao động được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài, tính kỷ luật trong lao động và nâng cao tay nghề. Khi trở về địa phương họ sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề cao hơn hẳn và sẽ trở thành những nhân tố tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế./.